Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã.
Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ- TTg của tỉnh đã trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Trên cơ sở kế hoạch, đề án của tỉnh, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn được đẩy mạnh.
Các địa phương, các cơ sở dạy nghề triển khai khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của lao động, làm cơ sở để đăng ký nhu cầu đào tạo nghề cho phù hợp với từng địa phương, đáp ứng nhu cầu việc làm, thu nhập của người lao động.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã kiểm tra, rà soát năng lực của 53 cơ sở dạy nghề, kết quả có 27 cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Căn cứ vào các nghề truyền thống của địa phương và phương hướng phát triển KT-XH của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 20, Ban chỉ đạo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của tỉnh đã hướng dẫn cho các địa phương hàng năm tiến hành khảo sát lựa chọn các nghề phù hợp, bền vững có khả năng thu hút được nhiều lao động vào làm việc để tiến hành tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Các nghề được đưa vào dạy theo mô hình: Nghề truyền thống của địa phương như: thêu, chế tác đá mỹ nghệ, đan cói, đan bẹ chuối, đan bèo bồng….. và một số nghề mới như: móc sợi, đính hạt cườm, khâu chăn bông xuất khẩu, may công nghiệp, chẻ tăm hương, hướng dẫn viên du lịch…
Trong 3 năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 1.289 lớp dạy nghề cho 49.615 người lao động. Trong đó, dạy nghề dài hạn là 14.800 người, chiếm 29,83%; Dạy nghề ngắn hạn là 34.815 người, chiếm 70,17%, tỷ lệ gắn với việc làm và có việc làm mới sau học nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 70%...
Sau 3 năm thực hiện Quyết định 1956, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên,chính sách cho người lao động được công khai, minh bạch, tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế: công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động chưa sát với thực tế; hiệu quả sau đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa cao; bộ máy tổ chức, đội ngũ giáo viên các trường nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương, đơn vị, đoàn thể của tỉnh đã phát biểu ý kiến làm rõ những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như đưa ra những kiến nghị, đề nghị đoàn công tác quan tâm giải quyết như: kinh phí đào tạo nghề còn chậm; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu và cần bổ sung; thù lao trả cho những người tham gia truyền dạy nghề chưa được quy định; quy định về việc người tham gia đào tạo nghề phải có chứng chỉ đã gây khó khăn cho việc huy động những người có tay nghề cao ở các làng nghề tham gia dạy nghề…
Qua nghe báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các ý kiến của các địa phương, đơn vị, đoàn thể, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Kết quả đó cho thấy Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 1956 bằng những hoạt động cụ thể.
Công tác dạy nghề đã chủ động, bám sát yêu cầu đề ra, giúp người nông dân có thêm việc làm, thu nhập,mở rộng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện, lứa tuổi.
Công tác đào tạo nghề của tỉnh cũng đã thực hiện đúng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhiều doanh nghiệp và huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia đào tạo nghề.
Trước những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị, đoàn thể, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để bản thân người lao động nhận thức được việc học nghề là học cho bản thân, Nhà nước chỉ hỗ trợ để nâng cao chất lượng học nghề, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phải quan tâm nắm chắc nhu cầu học nghề để đảm bảo việc đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng, góp phần nâng cao tỷ lệ sau học nghề được tạo việc làm mới; Đối với những khu vực, địa bàn có nhu cầu về dịch vụ cao như các khu du lịch, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch như: văn hóa du lịch, hướng dẫn viên, ẩm thực…; Quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề…
Buổi chiều, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc tại xã Khánh Phú (Yên Khánh) để tìm hiểu rõ hơn về công tác đào tạo nghề cho lao động sau thu hồi đất nông nghiệp.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, TVTU, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; đại diện các ban, ngành, đoàn thể của huyện.
Sau khi nghe báo cáo về kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ- TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của xã Khánh Phú và huyện Yên Khánh, đoàn đã đến làm việc tại HTX dịch vụ sửa chữa cơ khí Khánh Phú và Công ty may Hoàng Thắng để kiểm tra thực tế tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm 2 tại doanh nghiệp, gặp gỡ một số người lao động đã có việc làm ổn định sau đào tạo nghề.
Bùi Diệu