Năm 2013 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều bất lợi, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành Nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt khá (tăng trưởng GDP đạt 2,67%, tương đương với mức tăng của năm 2012 là 2,68%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012. Tổng kim ngạch XK toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Sản xuất tiếp tục phát triển, nhiều loại sản phẩm có sản lượng tăng mạnh so với năm 2012. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 49,3 triệu tấn, tăng 558,5 nghìn tấn so với năm 2012. Diện tích rau, đậu thực phẩm các loại đạt trên 1 triệu ha, sản lượng 14,6 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2012; diện tích cây ăn quả đạt 874 ngàn ha tăng 2 ngàn ha...
Về chăn nuôi, 6 tháng đầu năm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu nên từ tháng 7 sản xuất đã hồi phục. Ước cả năm 2013, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,33 triệu tấn tăng 1,5%.
Ngành cũng đã phát hiện và kiềm chế tốt các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đối phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết; diện tích rừng trồng tăng, diện tích rừng bị phá giảm so với năm 2012; thủy lợi phát triển theo hướng đa mục tiêu và phục vụ tốt cho sản xuất; đầu tư xây dựng từng bước khắc phục sự dàn trải, nợ đọng ít...
Định hướng và giải pháp tái cơ cấu đã dần rõ nét và được triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, lĩnh vực. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM tiếp tục được ưu tiên, trong năm đã huy động 41.365 tỷ đồng vốn xã hội cho chương trình. Đến nay, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 7,87 tiêu chí/xã; số xã đạt 19 tiêu chí là 67 xã (chiếm 0,75% số xã).
Về phía tỉnh Ninh Bình, sản xuất nông nghiệp năm 2013 được duy trì ổn định. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh đạt 2.198,8 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 48,4 vạn tấn; sản lượng thủy sản đạt 38,2 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2012.
Các mặt công tác quản lý nhà nước của ngành có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ đạo tăng diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 36 nghìn ha, chiếm 44,5% diện tích. Công tác quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản được tăng cường.
Chương trình xây dựng NTM được các cấp, các ngành quan tâm. Đến hết năm toàn tỉnh đã cấp được trên 69 nghìn tấn xi măng, làm được 566 km đường giao thông nông thôn. Đến nay toàn tỉnh có 4 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 19,5 triệu đồng. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 9,3 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2012. Trong năm, có 3 xã Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Phú (huyện Yên Khánh) được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2014, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2,6-3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,1-3,5% so với năm 2013; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 28,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực cố gắng của ngành nông nghiệp và nông dân trong cả nước trong thời gian qua.
Đồng thời yêu cầu Ngành tiếp tục thực hiện tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Trong đó tập trung vào việc rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực giống, kỹ thuật canh tác và chế biến sau thu hoạch.
Tăng cường mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào địa bàn nông thôn, ưu tiên cho công nghiệp chế biến và những lĩnh vực thu hút nhiều lao động.
Cùng với đó là tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm; quản lý, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường bền vững, hiệu quả...
Hà Phương