Chủ trương bình ổn giá sữa đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời người tiêu dùng cũng phảitham gia giám sát và phản ánh đến các cơ quan Nhà nước khi có tình trạng vi phạm xảy ra trên thị trường.
Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện đã có 4 trong tổng số 5 doanh nghiệp sữa trong danh sách của Bộ Tài chính công bố hoàn thành việc xác định giá trần đối với với 141 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đó là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam); Công ty TNHH hạn Dinh dưỡng 3A; Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam; Công ty sữa TNHH Friesland Campina Việt Nam. Các doanh nghiệp khác theo phân cấp quản lý cũng đang triển khai để kịp có giá tối đa thực hiện từ ngày 11-6-2014. Theo nhận định ban đầu, việc áp giá mà các doanh nghiệp đưa ra cơ bản đảm bảo tương quan với giá mà Bộ Tài chính công bố. Với các mức giá này, thì giá sữa sẽ giảm từ 50.000-70.000 đồng/hộp, một số trường hợp mức giảm còn cao hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc phản hồi từ thị trường tương đối tích cực. Chủ cửa hàng Năng Thơ (đường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) cho biết: Thời gian qua giá sữa đã lên quá cao, nhất là các loại sữa ngoại nhập, điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhất là đối với các gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Việc Nhà nước thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là hoàn toàn hợp lý vì đây là đối tượng đang được hưởng chế độ bảo hiểm 100%. Việc bình ổn giá sữa không chỉ tạo điều kiện cho người tiêu dùng mà người bán cũng thuận lợi vì giá sữa giảm thì nhu cầu sử dụng sẽ tăng lên.
Sữa cho trẻ dưới 6 tuổi là mặt hàng thiết yếu liên quan tới toàn xã hội, phục vụ cho sự phát triển của nòi giống với mục đích tạo ra thế hệ sau này ngày càng có thể trạng tốt, trí tuệ thông minh cho yêu cầu phát triển đất nước. Cho nên người dân rất quan tâm đến giá sữa. Nhiều gia đình có con nhỏ cho biết dù doanh nghiệp nâng giá sữa nhiều lần trong năm, nhưng vẫn phải mua. Như vậy, nếu Nhà nước không can thiệp, phó mặc cho thị trường thì ai bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: "Người tiêu dùng ở trong thế bắt buộc phải mua, mà người kinh doanh sữa muốn đưa giá nào cũng được thì không thể chấp nhận. Cho nên tôi thấy rằng, chúng ta phải can thiệp, không quy định giá cụ thể nhưng phải đưa ra giá trần. Tất nhiên, giá trần đó đảm bảo lợi ích của cả người kinh doanh nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Nhà nước không quy định giá cụ thể có nghĩa là vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tôn trọng cạnh tranh nhưng đúng đắn, đúng mức chứ không phải sự cạnh tranh bất kể hậu quả ra sao. Do đó, việc áp giá trần với giá sữa là cần thiết và đó là biện pháp Nhà nước cần làm và phải làm. Quyết định đó đúng với Luật Giá hiện hành, tức là trách nhiệm của Nhà nước với bình ổn giá".
Thông tin trên cũng được rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh quan tâm. Chủ Doanh nghiệp Thanh Vân (Thành phố Ninh Bình) cho biết: Doanh nghiệp rất mong đợi các doanh nghiệp kinh doanh sữa thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu như chưa có doanh nghiệp nào thông báo thay đổi giá các mặt hàng sữa. Một vài doanh nghiệp có tín hiệu giảm giá trong thời gian tới nhưng giảm rất ít, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/hộp 400 gam.
Giá sữa lâu nay chỉ có tăng mà không có giảm. Mục tiêu bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là quyết tâm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và địa phương. Đối với tỉnh ta, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 2-5-2014 của Chính phủ, Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5-2014 của Bộ Tài chính, ngày 2-6-2014, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo số 172/UBND-VP5 về việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn thực hiện kê khai giá theo mẫu biểu, quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá của Bộ Tài chính hướng dẫn; tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá tại địa phương theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5-2014 của Bộ Tài chính; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa về các chi phí khác có liên quan trong phạm vi mức tối đa quy định tại điểm a, khoản 2, điều 2 Quyết định 1079/QĐ-BTC; tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và đăng ký giá, thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn; công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá hàng tháng và các trường hợp có yêu cầu khác về Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
Đoàn liên ngành kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh năm 2014 phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5-2014 của Bộ Tài chính, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa trên địa bàn căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC xác định giá tối đa trong khâu bán buôn, giá tối đa trong khâu bán lẻ, gửi về Sở Tài chính để làm cơ sở thực hiện quy định về đăng ký giá; trên cơ sở giá tối đa đã được chấp thuận, thực hiện đăng ký giá bán theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính; thực hiện công khai giá tại trụ sở, tại nơi bán sản phẩm, cho các kênh phân phối (đối với giá tối đa trong khâu bán buôn) theo đúng quy định.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm