PV: Xin ông cho biết tình hình thị trường, giá cả hàng hóa và dự báo sức mua trong tháng Tết Nguyên đán năm nay?
Ông Ngô Minh Kim: Trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 hoạt động thương mại và dịch vụ sụt giảm, tuy nhiên càng về cuối năm khi dịch được kiểm soát tốt, các hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi và khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh cả năm 2020 đạt gần 37.833 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm 2019. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 29.974 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2019.
Riêng trong tháng 12/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 2.960 tỷ đồng, tăng 17% so với tháng 12 năm 2019, hầu hết các nhóm mặt hàng đều có tổng mức bán lẻ tăng, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm hàng hóa thiết yếu: lương thực, thực phẩm tăng 16%; hàng may mặc tăng 23,2%; đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng gần 24%...
Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội đang trở lại trạng thái bình thường, sức mua hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu tăng, điều đáng mừng là giá cả các mặt hàng thiết yếu không những không tăng mà còn giảm nhẹ do nguồn cung đáp ứng tốt, chủng loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, hạt, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống.... Dự báo sức mua của người dân trong tháng Tết năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với Tết năm trước và tăng từ 15-20% so với các tháng khác trong năm.
PV: Để đảm bảo cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường trong dịp Tết, Sở Công Thương đã và đang triển khai những giải pháp gì? Thưa ông?
Ông Ngô Minh Kim: Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, ngay từ những tháng cuối năm 2020, Sở Công thương đã yêu cầu các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở, các phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động nắm chắc cung - cầu hàng hóa, cung ứng kịp thời ra thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, hàng hóa tăng giá đột biến, cung cấp hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường trong suốt dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dữ trữ hàng để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Ngành đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Truyền tải điện Ninh Bình xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị, Sở Công thương yêu cầu xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên các hàng hóa Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thành phố, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Đối với các siêu thị cần chuẩn bị đủ lượng hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các vùng lân cận, bù vào lượng thực phẩm có thể thiếu hụt trong dịp Tết.
Sở Công Thương cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trong dịp cuối năm 2020 và Tết nguyên đán Tân Sửu như triển khai Chương trình khuyến mại tập trung - Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2020; đẩy mạnh phân phối hàng Việt qua "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các Sàn thương mại điện tử. Tích cực triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng và triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; khuyến khích động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Song song với đó, Sở Công Thương phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh triển khai có hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu của UBND tỉnh. Nội dung chủ yếu là mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về sở hữu trí tuệ, niêm yết giá. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: pháo nổ, thuốc lá, các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, quần áo may mặc sẵn, đồ chơi kích động bạo lực, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thủy sản, các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm….
PV: Một trong những giải pháp quan trọng mà Sở Công Thương triển khai đó là xây dựng kế hoạch và tích cực thực hiện đề án "Hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021". Vậy xin ông cho biết những nội dung chính của đề án này?
Ông Ngô Minh Kim: Đề án hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa dịp tết là hoạt động được tổ chức thường xuyên trong những năm gần đây và đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Năm nay Đề án sẽ có 6 doanh nghiệp tham gia với 100 điểm bán hàng bình ổn, phân bổ tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang. Chương trình có trên 200 mặt hàng do Việt Nam sản xuất hợp thị hiếu người tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá là các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, đang kinh doanh mặt hàng này, có uy tín và cung cấp hàng cho các điểm bán hàng trực tiếp phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thời gian thực hiện Đề án bình ổn giá hàng hóa dịp Tết bắt đầu từ ngày 1/1 đến 28/2/2021. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá chỉ đạo các đại lý có điểm bán bình ổn giá tổ chức treo băng zôn, niêm yết công khai giá bán lẻ tại các điểm bán và thực hiện đầy đủ các nội dung đã ký kết. Khi tham gia các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa sẽ được hỗ trợ một phần khoản tiền lãi suất vốn vay ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đến nay, công tác chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán đang được triển khai tốt. Hầu hết các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh đã có phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị tăng bình quân khoảng 10% so với năm trước. Riêng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dự kiến chuẩn bị lượng hàng hóa tăng bình quân gần 15% so với năm ngoái, hàng hóa tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt. Đặc biệt các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã cam kết hàng hóa đảm bảo số lượng và chất lượng, không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém phẩm cấp; kho hàng đủ lượng dự trữ và đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Giang