Đặc biệt là thời điểm quân và dân cả nước đồng loạt tiến công và nổi dậy trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và những hình ảnh, tư liệu, hiện vật chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn trong những tháng ngày dày đặc khói lửa, bom đạn chiến tranh, vững chí, bền lòng, thông minh, sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng được trưng bày tại Bảo tàng đã gợi lên niềm xúc động, tự hào cho những cán bộ, chiến sỹ năm xưa. Tất cả lại trở về với ký ức của những ngày cả Binh đoàn ra mặt trận với mệnh lệnh: "Thần tốc", "Quyết thắng".
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 24-10-1973, "Binh đoàn Quyết Thắng" - Quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 31-3-1975, ở Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh đoàn Quyết Thắng: Toàn bộ lực lượng của Binh đoàn (trừ Sư đoàn Bộ binh 308 ở lại miền Bắc) cơ động gấp vào miền Đông Nam Bộ chuẩn bị cùng các cánh quân tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Từ hậu phương miền Bắc, bằng cuộc hành quân "Thần tốc" liên tục trong 12 ngày đêm, phần lớn lực lượng và binh khí kỹ thuật của Binh đoàn gồm 2.000 xe ô tô vận tải, các loại hỏa khí kỹ thuật cùng với trên 31 nghìn cán bộ, chiến sỹ đã vượt qua chặng đường dài 1.700 km, trong điều kiện khó khăn ác liệt, qua nhiều địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đã có mặt ở đúng vị trí tập kết chiến đấu theo quy định, đảm bảo thời gian, bí mật, an toàn, sẵn sàng chiến đấu. Đây là cuộc hành quân có chặng đường dài nhất, thời gian ngắn nhất, quy mô nhất trong lịch sử của Quân sự Việt Nam. Trong Chiến dịch này, Binh đoàn là lực lượng tiến công chủ yếu trên hướng Bắc Sài Gòn - Gia Định.
Đối với Binh đoàn Quyết Thắng, vùng địa hình miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn là vùng địa hình hoàn toàn mới lạ. Khẩu hiệu "đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục đến thắng lợi hoàn toàn" do Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn đề ra đã kịp thời chỉ đạo mọi hoạt động của Binh đoàn.
Tại mặt trận Sài Gòn, Mỹ - ngụy đã dồn lực lượng và phương tiện chiến tranh về bố trí dày đặc, khống chế các trục đường dẫn vào thành phố nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta vào Sài Gòn. Binh đoàn Quyết Thắng được giao nhiệm vụ tấn công cánh Bắc Sài Gòn, ngăn chặn không cho Sư đoàn 5 Ngụy co cụm về Sài Gòn, kết hợp với lực lượng địa phương tiến công địch, giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một, đồng thời tổ chức lực lượng mạnh, hiệp đồng binh chủng, thọc sâu vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy. Để thực hiện nhiệm vụ này, Binh đoàn được tăng cường thêm Trung đoàn 95 bộ binh của Binh đoàn Hương Giang, Trung đoàn 51 ô tô và một số đơn vị binh khí kỹ thuật khác.
17h ngày 26-4-1975, từ 5 cánh quân của 5 hướng bắt đầu tiến công tuyến phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch: "Táo bạo - bất ngờ - chắc thắng - giành thắng lợi hoàn toàn", các lực lượng tiến công của Binh đoàn đã luồn sâu, cài thế hiểm, bao vây tiêu diệt gọn quân địch ở căn cứ Phú Lợi, chốt chặn đường 13, đường 14, bao vây, chặn đánh, tiêu hao, bắt sống và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng như: Bộ Tổng tham mưu - cơ quan đầu não của quân Ngụy Sài Gòn; Khu Bộ tư lệnh các Binh chủng, Lục quân công xưởng, Tiểu khu Gia Định, Quận lỵ Gò Vấp... Và đúng 9h30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Quyết thắng đã được cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn cắm trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Binh đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho, tiêu diệt 795 tên địch, buộc Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ - Tư lệnh Sư đoàn 5 Ngụy phải tự sát; bắt làm tù binh 13.580 tên, bắn cháy phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đơn vị của Binh đoàn đã tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum - Xiêm Khoảng trên nước bạn Lào, chiến dịch Khe Sanh, chiến dịch đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhiều năm, các cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn đã sát cánh cùng nhân dân, các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị cùng "đồng cam cộng khổ", "cơm Bắc, giặc Nam" chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ thành cổ làm nên huyền thoại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Các địa danh lịch sử như: Đường 9, Khe Sanh, ái Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Cửa Việt, Thành cổ... mãi mãi là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn, gắn liền với những trang sử hào hùng, trưởng thành, lớn mạnh và những hy sinh to lớn của các đơn vị của Binh đoàn.
Chiến công của Binh đoàn Quyết Thắng đã gắn liền với chiến công hiển hách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Binh đoàn đã góp phần viết nên trang sử hào hùng, tô thắm thêm truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong thế kỷ XX và xây dựng nên truyền thống "Thần tốc - Quyết thắng" của Binh đoàn.
Ngọc Minh