Thông qua bình chọn nhằm kịp thời phát hiện, tôn vinh và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình bình chọn SPCNNTTB đến các đơn vị có liên quan, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bình chọn.
Theo đó, đối tượng bình chọn là các sản phẩm của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây phải là các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về kinh tế, kỹ thuật, xã hội; về sử dụng nguồn nguyên liệu; giải quyết việc làm cho người lao động và thỏa mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Tính đến ngày 5-7-2014, Sở Công thương đã tiếp nhận 112 hồ sơ, sản phẩm và mẫu sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh của 43 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn tương đối đa dạng, được chia theo 7 phân nhóm chính bao gồm sản phẩm thêu ren, may mặc; sản phẩm cói, bèo, mây tre đan, nứa ghép; sản phẩm đá mỹ nghệ; sản phẩm gỗ mỹ nghệ; sản phẩm gốm, sành, sứ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống và nhóm các sản phẩm khác.
Trên cơ sở các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 35 của Bộ Công thương, Hội đồng bình chọn cấp tỉnh đã tổ chức bình chọn, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận SPCNNTTB đối với 35 sản phẩm đạt giải (10 sản phẩm tiêu biểu xuất sắc). Trong đó, nhóm sản phẩm thêu ren, may mặc có 7 sản phẩm; nhóm sản phẩm cói, bèo, mây tre đan, nứa ghép có 9 sản phẩm; nhóm sản phẩm đá mỹ nghệ có 3 sản phẩm; nhóm sản phẩm gỗ mỹ nghệ có 5 sản phẩm; nhóm sản phẩm gốm, sành, sứ có 4 sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống có 5 sản phẩm; nhóm các sản phẩm khác 2 sản phẩm.
Đặc biệt, 10 sản phẩm tiêu biểu xuất sắc đều là những sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như bộ chăn ga gối của Công ty TNHH thêu ren Mặt Trời Xanh, tại xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) có chất lượng tốt, kiểu dáng phong phú, họa tiết đẹp, mang bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Bộ sản phẩm bèo bồng đan thủ công của Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) là sản phẩm hoàn toàn do doanh nghiệp tự thiết kế mẫu phù hợp với yêu cầu khách hàng, thân thiện với môi trường, tốt hơn so với sản phẩm cùng loại làm bằng nguyên liệu nhựa và được xuất khẩu 100%.
Bình rượu mùa xuân của HTX gốm Gia Thủy, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) có độ bền cao, khử được độc tố trong rượu, luôn luôn được đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng theo nhu cầu của khách hàng. Cơm cháy Chà bông của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Long, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) đạt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm theo công bố số 25/2013/YTNB-XNCB của Sở Y tế Ninh Bình. Chất lượng sản phẩm thơm, ngon, giòn, xốp. Làn rượu nếp Lai Thành của DNTN Phú Quý, xã Lai Thành (huyện Kim Sơn) là thực phẩm đồ uống được kết hợp hài hòa giữa sản phẩm rượu và bao bì độc đáo từ nguyên liệu cói Kim Sơn lưu giữ hồn cốt hương rượu Việt...
Cũng theo đồng chí Hoàng Trung Kiên, các sản phẩm được bình chọn lần này đều đảm bảo tính văn hóa, thẩm mỹ, có giá trị kinh tế cao do các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sản xuất. Trên cơ sở kết quả bình chọn cấp tỉnh, Sở Công thương đã lựa chọn 10 sản phẩm xuất sắc đi dự thi cấp khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc. Các sản phẩm được công nhận là SPCNNTTB sẽ được đăng tải thông tin giới thiệu trên Website của Sở Công thương, Bản tin Công Thương Ninh Bình; đối với các sản phẩm đạt giải cấp khu vực và Quốc gia sẽ được đăng tải thông tin trên Website của Cục Công nghiệp địa phương và của Bộ Công thương.
Ngoài ra, các SPCNNTTB sẽ được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn kinh phí khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực... Đây là cơ hội tốt để đơn vị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình, đồng thời là động lực giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đầu tư cải tiến trang thiết bị sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới mang tính đặc thù của quê hương Ninh Bình. Tuy vậy, để SPCNNTTB thực sự trở thành nguồn hàng hóa có giá trị cao, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn của tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Quốc Khang