Báo cáo tại hội nghị biểu dương gia đình Công giáo hạnh phúc tiêu biểu cho thấy, 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của hội.
Đặc biệt là việc vận động, hỗ trợ phụ nữ công giáo xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững thông qua Đề án "Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"; Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt"; Dự án "Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc" thuộc Đề án 279 của Chính phủ về phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020.
Hoạt động hỗ trợ các gia đình phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, được các cấp hội đặc biệt quan tâm, thông qua hoạt động hỗ trợ vốn, kiến thức KHKT, dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ các điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, nhất là ở các địa bàn có đông đồng bào công giáo...
Hiện nay, các cấp Hội đang quản lý hơn 1.100 tỷ đồng, với hơn 72 nghìn người vay, trong đó có gần 4 nghìn phụ nữ công giáo để phát triển kinh tế gia đình, cho con đi học. Mỗi năm có hơn 1.500 phụ nữ công giáo được dạy các nghề đan cói, đan bèo, may công nghiệp, đính hạt cườm, thêu ren...
5 năm qua, các cấp hội đã giúp 116 gia đình công giáo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo bền vững; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hội viên đóng góp xây dựng 20 mái ấm tình thương cho gia đình phụ nữ công giáo...
Các hoạt động bảo vệ môi trường được chị em phụ nữ công giáo hưởng ứng, đi đầu theo tiêu chí "3 sạch"-sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Nhiều mô hình xử lý rác thải, đoạn đường, đoạn sông phụ nữ tự quản ở các xứ, họ đạo đã được chị em hăng hái tham gia, làm thay đổi cảnh quan, giữ môi trường sạch đẹp.
Cùng với làm tốt công tác VSMT, các gia đình phụ nữ công giáo còn có đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương, như làm đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, dồn điền đổi thửa, hiến đất, hiến công, hiến của làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng nhà văn hóa..., góp phần tích cực đưa 40 xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về NTM, trong đó 19 xã có đồng bào công giáo.
Đặc biệt, các cấp Hội luôn quan tâm xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt, cốt cán công giáo; động viên chị em phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động hội viên, phụ nữ công giáo xây dựng gia đình hạnh phúc, kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ công giáo.
Hàng năm, nhân dịp các ngày Lễ phục sinh, Lễ giáng sinh, Tết nguyên đán..., các cấp hội tổ chức tặng quà chúc mừng các dòng nữ tu, gia đình phụ nữ công giáo, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn..., qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ nữ công giáo với tổ chức hội, ngày càng động viên chị em gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của phong trào phụ nữ toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tạo điều kiện giúp hội viên phụ nữ công giáo về mọi mặt, qua đó giúp chị em vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển, góp phần tích cực động viên, khích lệ gia đình hội viên phụ nữ trong tỉnh nói chung, phụ nữ công giáo nói riêng xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do hội và địa phương phát động.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình, hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; do đó, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam tỉnh Ninh Bình.
Đề cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác gia đình, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, đề cao trách nhiệm gia đình, phát huy, tôn vinh nét đẹp gia đình truyền thống văn minh.
Các cấp Hội cần quan tâm một cách thiết thực và toàn diện hơn nữa trong các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trọng tâm là nâng cao công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan để tạo nguồn lực tốt nhât, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện.
Cùng với đó phát hiện, biểu dương kịp thời các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau, tình làng nghĩa xóm bền chặt…
Đối với các gia đình hội viên phụ nữ công giáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, các gia đình cần tích cực học tập để cập nhật kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình.
Tiếp tục có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, "Sống tốt đời, đẹp đạo", tích cực tham gia các phong trào và cuộc vận động "Xứ, họ đạo tiên tiến", "Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu" do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động, gắn với phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người Công giáo trong xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại hội nghị, 35 gia đình công giáo hạnh phúc tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2016 đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Mỹ Hạnh-Minh Quang