Liên minh Mặt trận Dân tộc đa sắc tộc của Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi chỉ giành được đa số thấp trong Quốc hội và tương lai của nhà lãnh đạo này đang bị hoài nghi sau khi ông chứng kiến sự sụp đổ đa số kỷ lục ở mức thấp chưa từng có.
Người tiền nhiệm của Thủ tướng Abdullah là Mahathir Mohamad đã kêu gọi ông rút lui. "Ông ta nên nhận trách nhiệm", cựu Thủ tướng Mahathir tuyên bố và nói ông đã sai lầm khi chọn ông Abdullah là người kế nhiệm. Và rằng, phó Thủ tướng Najib Razak nên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Các đường phố ở Malaysia hôm nay yên lặng một cách khác thường, nhiều công dân lớn tuổi lo sợ sẽ có bất ổn. Lần cuối cùng mà liên minh chịu thất bại nặng nề là năm 1969, khi đó bạo động sắc tộc đã nổ ra. Liên minh cầm quyền Barisan lãnh đạo Malaysia kể từ khi khu vực này giành độc lập từ Anh năm 1957.
Thủ tướng Abdullah, người mà chỉ cách đây 4 năm đã dẫn dắt liên minh cầm quyền đạt được thắng lợi kỷ lục trong bầu cử, giờ đây phải đối mặt với tương lai ảm đạm. Các trợ lý của nhà lãnh đạo này đều choáng váng nhưng chưa sẵn sàng thừa nhận rằng ông sẽ từ chức.
"Nói thẳng thắn, bây giờ không phải là thời điểm thích hợp vì nhiều đảng thuộc Barisan đã bị hao tổn lực lượng. Chúng tôi mất một số người và tôi cho rằng bây giờ là lúc củng cố", một trợ lý gần gũi của Thủ tướng Abdullah nói.
Trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abdullah chỉ giành được 62% số ghế trong Quốc hội, giảm mạnh từ 90% so với lần bầu cử trước. Ngoài ra, bang nhà của Thủ tướng là Penang đã rơi vào tay đảng đối lập.
Đảng cánh tả Dân chủ hành động (DAP) đã thắng ở bang Penang, trung tâm công nghiệp điện tử của Malaysia, nơi chiếm 1/2 lượng xuất khẩu của cả nước.
Đảng Hồi giáo đối lập PAS cũng ghi được những chiến thắng gây sốc ở bang Kedah và Perak, dễ dàng nắm quyền tại cứ điểm của họ ở phía đông bắc - bang Kelantan.
DAP và PAS kết hợp với đảng Công lý nhân dân (Parti Keadilan) - nắm quyền kiểm soát ở bang công nghiệp Selangor và hầu hết các vị trí ở thủ đô Kuala Lumpur.
Các chuyên gia chính trị và nhiều nhà kinh tế học lo lắng không biết chính phủ liên minh Barisan có thể tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự, gồm cả kế hoạch trị giá 325 tỷ USD tại các khu vực phát triển trên khắp nước, hay không.
Do không có đủ 2/3 đa số trong Quốc hội, Barisan không còn thay đổi được hiến pháp hay có những quyết định bổ nhiệm chủ chốt. "Đó không phải là tin tốt lành với thị trường chứng khoán hay đồng ringgit", Tim Condon, lãnh đạo ban nghiên cứu đầu tư ở châu Á của ngân hàng ING đóng tại Singapore nhận xét.
Theo giới phân tích, liên minh cầm quyền thất bại do sự phẫn nộ của người Hoa và người Ấn trước việc bị chính phủ đối xử không công bằng trong kinh doanh, việc làm và giáo dục. Malaysia là nước có tới 55% dân số là người Malay, người Ấn và người Hoa chỉ chiếm 1/3 số dân.
Trong bầu cử lần này, người Ấn đã từ chối ủng hộ cho một lãnh đạo trong liên minh và thay vào đó bầu cho một nhà hoạt động người Ấn hiện đang bị giam.
Thêm nữa, người Malaysia - hầu hết là theo Hồi giáo, có truyền thống ủng hộ Barisan trong mọi thời kỳ dù xấu hay tốt, lần này đã gây ra một cơn bão hoàn hảo đối với chính phủ. Họ trao cho đảng đối lập Hồi giáo một lượng phiếu kỷ lục, giống như sự biểu tình phản đối chính phủ để giá cả tăng cao.
(Theo VNNET)