Những hiện tượng đó có tác động rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, sức khỏe và môi trường của nhân loại toàn cầu.
Các nhà khoa học đã cảnh báo, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ cho toàn cầu, cụ thể là trái đất nóng lên là một hậu quả của quá trình tích lũy lâu dài khí nhà kính (chủ yếu là CO2 và Metan). Những khí đó được thải vào không khí sẽ "nhốt" hơi nóng của mặt trời bên trong bầu khí quyển làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên; phá vỡ tầng ôzôn - tầng khí quyển ngăn cản tia cực tím và bức sạ mặt trời đối với trái đất. Nhiệt độ tăng làm cho các sông băng, biển băng, lục địa băng trên trái đất tan chảy và làm tăng lượng nước đổ vào các biển và đại dương sinh ra hiện tượng nước biển dâng. Theo ước tính, nếu băng tiếp tục tan thì nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6 m nữa vào năm 2100. Với mức dâng này, nhiều vùng ven biển và một số đảo ở đại dương sẽ bị mất đi; phần lớn các đảo của Indonesia và nhiều thành phố ven biển khác sẽ hoàn toàn biến mất. Mặt khác, băng tan làm cho các núi băng và sông băng đang teo nhỏ dần, làm mất đi nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và canh tác của hàng trăm triệu người.
Biến đổi khí hậu làm cho trái đất xuất hiện những đợt nắng, nóng gay gắt. Đợt nắng, nóng quét qua châu Âu năm 2003 đã làm thiệt mạng khoảng 35.000 người. Mới đây là đợt nắng, nóng kéo dài, nhiệt độ từ 39-400C ở nước ta; hay đợt nắng, nóng ở nước Nga làm cháy hàng nghìn ha rừng… Đó là những dấu hiệu đáng báo động do những thay đổi theo chiều hướng xấu của khí hậu. Các nhà khoa học cũng cho biết, các đợt nắng, nóng khủng khiếp đang diễn ra thường xuyên hơn, gấp 4 lần so với trước đây và dự đoán trong vòng 40 năm tới mức độ thường xuyên của các đợt nắng nóng sẽ tăng gấp 100 lần so với hiện nay. Hậu quả của các đợt nắng, nóng này là nguy cơ cháy rừng, hạn hán, bão lụt, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của các quốc gia và địa phương. Nếu như từ năm 1905-1930, trung bình có khoảng 3,5 cơn bão/năm; giai đoạn 1931-1934 có khoảng 5,1 cơn bão/năm… thì giai đoạn 1995-2005 con số này là 8,4 cơn bão/năm.
Trong khi một số nơi trên thế giới bị ngập chìm trong lũ lụt triền miên thì một số nơi lại bị hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hậu quả là sản lượng lương thực và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một phần số dân trên thế giới (ấn Độ, Pakistan, châu Phi…) bị đói nghèo. Theo ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 75-250 triệu người dân châu Phi thiếu nguồn nước trong sinh hoạt và thiếu nước trong canh tác nông nghiệp dẫn đến sản lượng lương thực của lục địa này sẽ giảm khoảng 50%. Nhiệt độ trái đất tăng, cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển. Các loại côn trùng, động vật: muỗi, ve, chuột… truyền bệnh cho con người có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Tổ chức WHO cho biết, các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới, hàng năm có khoảng 150 nghìn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu từ bệnh tim, đến hô hấp và tiêu chảy.
Biến đổi khí hậu không chỉ làm mùa màng thất bát; công trình, nhà cửa bị đổ sập; cầu cống, đường giao thông bị phá hủy… thiệt hại nhiều tỷ đồng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của con người. Lương thực và nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất, dân số lại tiếp tục tăng là những yếu tố dẫn đến bất hòa, gây xung đột giữa các nước trong khu vực và trong vùng lãnh thổ.
Diễn tập chống cháy rừng tại xã Ninh Hải (Hoa Lư). Ảnh: Đức Lam
Ngoài các hậu quả trên, biến đổi khí hậu còn làm mất đi sự đa dạng sinh học, phá hủy các hệ sinh thái. Nhiệt độ trái đất hiện nay đang làm cho một số loài sinh vật trên địa cầu biến mất hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học cũng dự báo, nếu nhiệt độ tăng thêm từ 1,1-6,40C nữa, thì vào năm 2050 sẽ có khoảng 50% các loài động vật, thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, do môi trường sống, đất bị hoang hóa, nạn phá rừng, nước biển dâng. Khi động vật và thực vật bị mất đi đồng nghĩa với việc các hệ sinh thái bị phá vỡ và nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của con người cũng bị mất đi.
Ở tỉnh Ninh Bình, vùng ven biển Kim Sơn và đồi núi Nho Quan, Tam Điệp là nhừng nơi bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Tỉnh Ninh Bình chỉ có gần 20 km bờ biển, nhưng đây lại là vùng bãi bồi thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Nước biển dâng, độ mặn cao, xâm nhập mặn sâu không chỉ ảnh hưởng đến diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến môi sinh, hệ sinh thái động thực vật vùng đó. Ngược lại nắng nóng khô hạn kéo dài lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng đồi núi Nho Quan, Tam Điệp. Hàng ngàn ha đồng ruộng có để bị bỏ hoang, do thiếu nước sản xuất; khi có mưa to lại dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập úng. Những trận lũ lụt xảy ra trên dịa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 của những năm 2008, 2009 đã cho thấy rõ điều này. Dường như mùa hè nắng nóng gay gắt hơn; mùa đông lại lạnh giá, kéo dài hơn.
Rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu. Hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu cần có những giải pháp đồng bộ (Trước mắt và lâu dài) mang tích cộng đồng, quốc gia, quốc tế; Sự "chung lưng, gắng sức" của các cấp, các ngành và mọi người dân với tinh thần "Mình vì mọi người và mọi người vì mình".
Trường Sinh