Đơn giản thủ tục vì dân
Hiện nay, BHXH tỉnh đang quản lý trên 600 nghìn người tham gia BHYT, trên 73 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, gần 2 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, 63 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn quản lý trên 55 nghìn đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH.
Những năm gần đây, với số thu BHXH, BHYT trên 1.000 tỷ đồng, chi trả các chế độ về BHXH, BHYT gần 2.000 tỷ đồng một năm, khối lượng công việc của BHXH tỉnh ngày một tăng. Vì vậy để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của ngành, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách, BHXH tỉnh xác định phải tập trung đẩy mạnh CCHC với phương châm cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức và cá nhân đến giao dịch, đồng thời góp phần để ngành BHXH tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn 2011-2015, BHXH tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13-6-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 30c, Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 6-3-2013 của UBND tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2015 đến các đơn vị trực thuộc.
Trong đó chú trọng vào việc cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Đồng thời, quan tâm sát sao công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, xây dựng kế hoạch CCHC cụ thể, đánh giá công tác CCHC theo từng quý; thảo luận, đề xuất các vấn đề liên quan đến CCHC; thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra công tác giải quyết trong lĩnh vực BHXH, BHYT; luôn chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác CCHC, chú trọng việc vận động tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải quyết chế độ BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó đã kịp thời cung cấp thông tin, giúp người lao động và nhân dân hiểu đúng và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các quy định trong lĩnh vực giải quyết chế độ, chính sách về BHXH, BHYT và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC, các nhiệm vụ CCHC đang được triển khai, thông tin các phản ánh, kiến nghị về những quy định chưa phù hợp của thủ tục hành chính, thái độ, giao tiếp của cán bộ, công chức.
Từ năm 2009, BHXH tỉnh đã thực hiện mô hình tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "Một cửa liên thông" tại văn phòng cơ quan BHXH tỉnh. Đến tháng 4-2012, tất cả các cơ quan thuộc hệ thống BHXH Ninh Bình (BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố) đều thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoạt động theo cơ chế "một cửa".
Từ khi thực hiện mô hình, chất lượng giải quyết công việc tại BHXH tỉnh ngày càng được nâng lên, nhiều thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc được đổi mới theo hướng đơn giản, hợp lý, khoa học, giảm phiền hà cho đơn vị, đối tượng; thời gian giải quyết công việc được rút ngắn.
Theo rà soát BHXH tỉnh, có tổng số 263 thủ tục hành chính lĩnh vực BHXH, đến nay đã đơn giản hóa được 152 thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH (đơn giản hóa được thủ tục về hồ sơ, trong hồ sơ đơn giản giấy tờ), hiện còn 115 bộ thủ tục hành chính (gồm 5 lĩnh vực: 41 thủ tục hành chính lĩnh vực chính sách BHXH, 12 thủ tục hành chính lĩnh vực chính sách BHYT, 30 thủ tục hành chính lĩnh vực thu BHXH, BHYT, 17 thủ tục hành chính lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH, 15 thủ tục hành chính lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT) được thực hiện niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Đến tháng 9-2015, toàn tỉnh đã có 1.294 đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử trên lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ 76% số đơn vị được mời tham gia giao dịch điện tử. Đã có 152 đơn vị thực hiện giao dịch với tổng số 395 hồ sơ. Việc triển khai giao dịch điện tử BHXH trên địa bàn tỉnh đã tạo bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch trong lĩnh vực này.
Thúc đẩy sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và thực hiện thí điểm giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu BHXH Việt Nam đặt ra trong năm 2015 sẽ có khoảng 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử, tiếp tục rút gọn thủ tục hành chính, cắt giảm số giờ thực hiện thủ tục đóng nộp BHXH cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bằng mức bình quân các nước trong khu vực (49,5 giờ/năm).
Trong giai đoạn 2016-2020, BHXH tỉnh phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện CCHC, hoàn thiện các văn bản pháp lý, CCHC trong khâu quản lý đối tượng, thu và giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng theo hướng tăng cường sử dụng các hồ sơ điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet.
Thực hiện CCHC theo 6 nội dung chính: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, đồng thời tìm nhiều giải pháp, sáng kiến đột phá để tiếp tục thực hiện CCHC một cách tối ưu nhất, BHXH tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức ngành BHXH hưởng ứng tham gia cuộc thi "Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp" do BHXH Việt Nam phát động.
Cuộc thi là dịp tuyên truyền, vận động sâu rộng để các tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành chung tay tham gia cải cách thủ tục hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT; nhằm tìm ra những sáng kiến mới về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, góp phần giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết giúp rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và có khả năng ứng dụng trong hệ thống toàn ngành BHXH.
Với yêu cầu mỗi đơn vị trực thuộc có 1 bài tham gia dự thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tiêu chí đánh giá tại kế hoạch tổ chức cuộc thi được ban hành theo Quyết định số 591/QĐ-BHXH ngày 12-5-2015 của BHXH Việt Nam, khuyến khích tập thể có nhiều cá nhân tham gia dự thi. Từ ngày 1 đến 28-10-2015, BHXH tỉnh Ninh Bình nhận bài dự thi của các tập thể, cá nhân tham dự.
Dự kiến, tỉnh Ninh Bình có khoảng 40 đơn vị sử dụng lao động tham gia dự thi "Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp".
Hồng Vân