Trở thành bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện phải thực hiện thành thạo các kỹ thuật mà các bệnh viện Trung ương đã và đang thực hiện được trong việc khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Điều đó cũng góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của người dân, khắc phục được tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến…
Từ khi chia tách bệnh viện đến nay, mới chỉ gần 4 năm nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều người bệnh trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị. Cơ sở vật chất của Bệnh viện đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, trang thiết bị khám, chữa bệnh ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Cùng với sự giúp đỡ hiệu quả của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương thông qua việc thực hiện Đề án 1816 nên khả năng tiếp cận với những kỹ thuật mới của Bệnh viện ngày càng được tăng cường, góp phần cứu chữa được nhiều ca bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển lên tuyến Trung ương điều trị, đặc biệt là bệnh nghèo, không có khả năng chi trả khi lên tuyến trên điều trị.
Đơn cử như Khoa Ung bướu được thành lập từ sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh có địa điểm mới. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh nên hàng năm số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Ung bướu ngày càng tăng: từ năm 2010 đến 2012 đã có 9.323 bệnh nhân đến khám ung thư, 3.851 lượt bệnh nhân điều trị nội trú…
Đến nay, chuyên ngành ung bướu đã thực hiện được 115/1.497 kỹ thuật theo phân tuyến mà Bệnh viện đang thực hiện, đảm nhiệm 17 kỹ thuật vượt tuyến. Tuy nhiên, trong 10 loại bệnh chuyển viện ngoại trú nhiều nhất thì các bệnh thuộc lĩnh vực khối u đứng vị trí đầu tiên. Khó khăn, thách thức đặt ra cho chuyên ngành ung bướu nói riêng, chuyên ngành tim mạch, chấn thương nói chung, đó là cơ cấu bệnh tật thay đổi, tỷ lệ người mắc các bệnh về ung bướu, tim mạch, các ca chấn thương… ngày càng tăng đòi hỏi chuyên ngành phải nhanh chóng đi vào các kỹ thuật chuyên sâu. Bên cạnh đó, để triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần phải được đào tạo, nâng cao trình độ và có lộ trình, thời gian để tiếp cận.
Đối với Bệnh viện Sản-Nhi, sau khi đi vào hoạt động độc lập với tư cách là một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân thuộc 2 chuyên ngành Sản và Nhi đến khám và điều trị khá đông. Trung bình hàng năm, Bệnh viện đón tiếp khoảng 26.200 trẻ em đến khám bệnh, điều trị nội trú cho 15.300 bệnh nhi, tiếp đón khoảng 25.000 lượt người đến khám sản phụ khoa. Năm 2012, Bệnh viện có 9.642 ca sinh nở, 3.853 ca phẫu thuật sản phụ khoa, trong đó phẫu thuật phụ khoa là 1.000 ca, phẫu thuật nội soi chiếm 42,4%. Là bệnh viện chuyên khoa mới thành lâp nhưng với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương nên chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh không ngừng được nâng lên.
Nhiều kỹ thuật mới được triển khai như: bơm Surfactant, làm mát não, phẫu thuật nội soi, quản lý dự phòng hen, điều trị chửa ngoài tử cung bằng MTX, phẫu thuật mổ cắt tử cung qua nội soi, phẫu thuật nội soi trong điều trị vô sinh bước đầu được triển khai…
Tuy vậy, 2 lĩnh vực sản và nhi đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tại Bệnh viện Sản- Nhi, trung bình hàng năm còn khoảng 800 lượt chuyển viện lên tuyến trên, trong đó tỷ lệ bệnh nhi chiếm gần 80%. Bên cạnh đó, do thiếu nhân lực và chưa được đào tạo nên còn rất nhiều kỹ thuật cần thiết để phục vụ cho phát triển lâm sàng chưa triển khai được như các kỹ thuật nội soi, thăm dò chức năng, xét nghiệm nội tiết phục vụ cho điều trị phụ khoa, vô sinh, các xét nghiệm trong chẩn đoán trước… Trước nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, Bệnh viện còn nhiều khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực và bổ sung trang thiết bị. Việc trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ hội cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh phát triển về mọi mặt, đặc biệt là việc phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Từ đó mở ra cơ hội cho nhân dân trong tỉnh và vùng lân cận trong việc được hưởng thụ các dịch vụ y tế chất lượng cao và hiện đại ngay tại địa phương, hạn chế những chi phí do chuyển tuyến.
Đề án bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên ngành: ung bướu, tim mạch, chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và sản, nhi (Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh) giai đoạn 2013- 2020 đã được các Bệnh viện hoàn thiện, được Bộ Y tế chấp thuận. Mục tiêu của các đề án nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho 2 bệnh viện thông qua hình thức đào tạo, chuyển giao gói dịch vụ kỹ thuật, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, hạn chế người bệnh phải chuyển tuyến trên điều trị. Trên cơ sở khảo sát thực tế nhu cầu khám, chữa bệnh của các chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi đã xây dựng danh mục các kỹ thuật yêu cầu hỗ trợ trong đề án của bệnh viện vệ tinh như: kỹ thuật xạ trị-hóa trị, kỹ thuật sinh thiết, chọc dò, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật nội soi khớp, nong và đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp điện, cực trong buồng tim…
Có những chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực… Đặc biệt, chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện đang được quan tâm thông qua việc tuyển dụng bác sỹ, cử các bác sỹ có trình độ chuyên môn vững đi đào tạo trực tiếp tại các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc lĩnh vực làm vệ tinh. Hiện nay, thông qua việc chuyển giao các gói kỹ thuật từ tuyến Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã tiếp đón các đoàn bác sỹ Trung ương về chuyển giao kỹ thuật theo hình thức "cầm tay chỉ việc" và cử các bác sỹ lên tuyến trên học tập, đào tạo. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, của địa phương, các bệnh viện đang từng bước hoàn thiện trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Với việc triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện phấn đấu sau khi tiếp nhận chuyển giao thành công các kỹ thuật từ tuyến trên, sẽ không chuyển tuyến trên các loại hình bệnh tật thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã được tiếp nhận.
Có thể nói, triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh còn cả chặng đường dài, cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của ngành y tế, của tỉnh về việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ… Nhưng bước đầu triển khai cho thấy, Đề án bệnh viện vệ tinh không chỉ mang ý nghĩa về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho ngành y tế, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Thành Bách