Do thiếu bác sĩ nên Bệnh viện chưa thành lập được khoa giám định pháp y; một số khoa như: Khoa khám bệnh, tâm căn, xét nghiệm, khoa dược chưa có trưởng khoa, vì vậy các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện phải kiêm nhiệm phụ trách các khoa và trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng phòng chỉ đạo tuyến và Khoa khám bệnh; bác sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa tâm căn… Không chỉ khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp các khoa, phòng, việc thiếu bác sĩ còn làm ảnh hưởng tới chất lượng khám, điều trị tại Bệnh viện.
Theo bác sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, bệnh nhân đến với Bệnh viện mắc nhiều rối loạn tâm thần khác nhau, do đó biểu hiện bệnh mỗi người mỗi khác. Họ không thừa nhận mình mắc bệnh, do đó luôn tìm cách trốn tránh, đối phó với các chỉ định điều trị của bác sĩ, thậm chí nhiều lúc họ còn lên cơn kích động, đánh lại thầy thuốc.
Nếu không có thời gian gần gũi, theo dõi, trò chuyện, nắm bắt diễn biến tâm lý, hành vi của người bệnh thì khó có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý đối với từng trường hợp. Nếu khám kỹ, bệnh nhân sẽ phải chờ đợi, sinh ra áp lực đối với cả người bệnh và cán bộ y tế.
Tuy nhiên, với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, các y, bác sĩ ở đây đã làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Ngoài làm việc 8 tiếng theo giờ hành chính, họ còn phải trực 12-15 ca/tháng, đảm bảo kíp trực nào cũng có bác sĩ. Bệnh viện đã xây dựng quy định chuyên môn trên cơ sở quy chế của ngành, tổ chức cho cán bộ, thầy thuốc thảo luận và thống nhất thực hiện trong đơn vị.
Hàng ngày, các khoa tổ chức giao ban đầu giờ, sau đó Ban Giám đốc họp với các khoa để nắm tình hình bệnh nhân, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Các quy định về giờ giấc, tác phong làm việc được các cán bộ, thầy thuốc chấp hành nghiêm chỉnh, cuối tháng các khoa có bình xét, xếp loại.
Bệnh nhân vào viện được khám, phân loại bệnh, sau đó đưa xuống các khoa. Tại đây, ngoài việc được chăm sóc về y tế, các bệnh nhân còn được điều trị phục hồi thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao. Tùy mức độ bệnh tật của mỗi người mà thời gian nằm viện dài hay ngắn, trung bình khoảng 50- 70 ngày/đợt điều trị. Gần đây số lượng bệnh nhân vào viện có chiều hướng tăng, làm cho công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 120-125%. Bệnh nhân BHYT chiếm 50%, còn lại là đối tượng nghèo, cận nghèo.
Hầu hết bệnh nhân khi ra viện đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe, nhiều người đã khỏi bệnh, hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Hàng năm, Bệnh viện đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch giao. Không để xảy ra khiếu kiện từ phía gia đình người bệnh.
Để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, ngoài việc phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm của các y, bác sĩ, Bệnh viện còn quan tâm, tạo điều kiện cho 4 y sĩ đi học đại học chuyên tu; phối hợp với Bệnh viện tâm thần Trung ương thực hiện tốt Quyết định 1816 của Bộ Y tế về việc tăng cường, luân chuyển bác sĩ hỗ trợ cho tuyến dưới.
Đến nay, đã có 4 đợt với 8 bác sĩ về tăng cường cho Bệnh viện, mỗi đợt 3 tháng. Với phương châm cùng sinh hoạt, cùng làm việc, các cán bộ, thầy thuốc của Bệnh viện tâm thần tỉnh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp tuyến Trung ương, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng thiếu bác sĩ, đồng chí Lê Văn Tất, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đã có thời gian, từ năm 2000-2002, Bệnh viện tâm thần có tới 16 bác sĩ, trong đó quá nửa là bác sĩ trẻ. Nhưng do tính chất phức tạp của công việc, phần nữa do chi phối của cơ chế thị trường, mặc cảm về đối tượng phục vụ nên họ chỉ công tác ở đây một vài năm là tìm cách xin chuyển. Về chế độ, chính sách của Nhà nước thì lĩnh vực điều trị tâm thần đã có ưu tiên, song điều đó chưa đủ để "giữ chân" các bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Tất, để khắc phục tình trạng này, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, có chế độ phụ cấp tăng thêm đối với cán bộ chuyên ngành tâm thần, giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập giữa các đơn vị trong ngành Y tế; bên cạnh đó cũng nên có quy định về thời gian làm việc với những bác sĩ trẻ được tuyển dụng vào Bệnh viện tâm thần, tránh tình trạng "dừng chân" một thời gian ngắn rồi lại chuyển đi như trước đây. Nếu thực hiện được những vấn đề trên, tình trạng thiếu bác sĩ ở Bệnh viên tâm thần tỉnh sẽ cơ bản được giải quyết, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hà Trang