Nắm được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản có nguy cơ cao xảy ra những ngày nắng nóng, nên khi cậu con trai 5 tuổi có dấu hiệu mệt mỏi, sốt nhẹ chị Trương Thị Lụa, phố Phú Thịnh, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) đã cho con đi khám tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh. Chị cho biết: Mặc dù tôi đã cho con tham gia đầy đủ các mũi tiêm chủng phòng bệnh trong chương trình mục tiêu Quốc gia theo quy định từ khi cháu mới sinh đến khi lớn dần, nhưng vào những thời điểm hay xảy ra dịch bệnh, theo khuyến cáo tôi vẫn cho con đi kiểm tra, khám sàng lọc nếu cháu có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe.
Đối với chị Lại Thị Duyên ở xóm 8, xã Cồn Thoi (Kim Sơn) có chút lo lắng hơn khi cậu con trai đang nằm điều trị tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh. Chị Duyên cho biết: Con tôi nhập viện với triệu chứng sốt cao. Do cháu mới gần 5 tuổi nên khi con sốt cao gia đình rất lo lắng về các bệnh liên quan đến sốt của trẻ như viêm não Nhật Bản, mặc dù cháu đã tiêm phòng đầy đủ các mũi trước 5 tuổi. Hiện gia đình yên tâm điều trị khi cháu được các bác sỹ khoa truyền nhiễm chẩn đoán sốt vi rút.
Theo thống kê Bệnh viện Sản - nhi tỉnh, tính đến trung tuần tháng 5/2018, Bệnh viện đã khám 40.598 lượt bệnh nhân (tăng trên 2.500 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2017), trong đó chỉ có 4 bệnh nhân khám viêm não vi rút và 12 bệnh nhân điều trị viêm não vi rút (cùng kỳ năm 2017 có 16 bệnh nhân khám viêm não vi rút và 9 bệnh nhân điều trị viêm não vi rút). Năm 2017, tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh có 1 bệnh nhân điều trị viêm não Nhật Bản. Trong 5 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện chưa ghi nhận, chẩn đoán bệnh nhân nào mắc bệnh này.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho biết: Bệnh viêm não Nhật Bản là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra, có thể lây lan thành dịch. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm vào các tháng 5, 6, 7 vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Loài muỗi truyền bệnh của bệnh này chính là muỗi Culex thường sống ở ruộng lúa nước hoặc nơi có nguồn nước ô nhiễm, chập tối bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu.
Dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như sốt cao đột ngột 39-40oC kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì hoặc hôn mê. Điều trị bệnh này, chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, phòng chống co giật do phù não, chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng, điều trị các biến chứng hay di chứng do bệnh nặng. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao gia đình nên đưa trẻ tới bệnh viện và xử trí kịp thời để giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh.
Đối với Khoa truyền nhiễm, trung bình mỗi năm điều trị khoảng trên 10 nghìn bệnh nhân liên quan đến bệnh truyền nhiễm, nhưng tỷ lệ bệnh nhân liên quan đến viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản không nhiều, 1 năm có khoảng trên 10 bệnh nhân viêm não hoặc viêm màng não và chỉ có 1 bệnh nhân ghi nhận, chẩn đoán viêm não Nhật Bản năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện chưa ghi nhận, chẩn đoán trường hợp bệnh nhân nào mắc viêm não Nhật Bản. Tuy tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thấp nhưng đây là bệnh rất dễ bùng phát nếu xảy ra dịch. Do vậy, bệnh viện luôn quan tâm, chủ động kiểm soát và điều trị bệnh. Cùng với quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh được quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh liên quan đến não và viêm não Nhật Bản như làm êliza (là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh), tìm các kháng thể trong cơ thể khi phát hiện viêm não Nhật Bản, các xét nghiệm dịch não tủy, chụp phim citi, các xét nghiệm máu để hỗ trợ cho chẩn đoán, máy thở ôxy, máy thở… Hiện tại, bệnh viện có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức lâm sàng để chẩn đoán và điều trị viêm não Nhật Bản.
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc đặc trị mà giải pháp đặc hiệu là tiêm vắc xin phòng bệnh theo 3 mũi cho trẻ dưới 5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đối với trẻ trên 5 tuổi mà chưa được tiêm phòng đầy đủ, cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi vắc xin hình thành hệ miễn dịch bền vững, cho trẻ tránh lây nhiễm. Đồng thời, quan tâm vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt loăng quăng bọ gậy để muỗi không có điều kiện phát triển. Khi ngủ phải nằm màn. Nếu gia đình có khu vực chăn nuôi thì cần vệ sinh thường xuyên vệ sinh chuồng trại...
Bài, ảnh: Tiến Minh