Đối với bệnh viêm gan B, là bệnh truyền nhiễm phổ biến, với tỷ lệ người nhiễm khá cao trong cộng đồng. Bệnh tiến triển nhanh tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan, trở thành gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tuy bệnh viêm gan B đã có vắc xin phòng bệnh, điều trị và hạn chế biến chứng, nhưng hiện tỷ lệ người mắc bệnh này vẫn cao do không được tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện bệnh nhân viêm gan B vẫn được điều trị bằng thuốc kháng virus, tỷ lệ khỏi bệnh cao, làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư gan và xơ gan...
Ông Trần Văn Thỏa, xã Phú Lộc (huyện Nho Quan) đang điều trị bệnh viêm gan B mãn tính tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Thỏa cho biết, trước đây, khi phát hiện bị bệnh viêm gan B, ông phải thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, với chi phí tốn kém và đi lại mất thời gian. Từ năm 2015, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai chương trình "Quản lý bệnh viêm gan B mãn tính", ông Thỏa đăng ký để được quản lý và điều trị. Ông Thỏa cho biết, được điều trị bệnh mãn tính tại tuyến tỉnh, giảm cho người bệnh và người nhà rất nhiều về thời gian đi lại và chi phí điều trị. Tại Khoa Truyền nhiễm, được các bác sĩ tận tình tư vấn, thăm khám, cắt thuốc, tôi rất yên tâm và tin tưởng. Đến nay, sức khỏe ông Thỏa đã cơ bản ổn định, có thể tự đi lại khám bệnh định kỳ cho mình và làm được những công việc nhẹ nhàng tại gia đình.
Bác sĩ Quách Thị Tuyết, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Từ năm 2015, Khoa Truyền nhiễm được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai chương trình "Quản lý bệnh viêm gan B mãn tính và bệnh viêm gan virus C" tại khoa. Sau gần 5 năm triển khai, đến nay, Khoa Truyền nhiễm đang quản lý trên 2.500 bệnh nhân viêm gan B, C mãn tính, trong đó có 1.300 bệnh nhân viêm gan B đang được dùng thuốc kháng virus và quản lý 65 bệnh nhân viêm gan C, trong đó 10 bệnh nhân đang được điều trị thuốc kháng virus. Trước đây, bệnh nhân mắc viêm gan B, C mãn tính phải lên tuyến trên điều trị, chi phí khá tốn kém.
Sau khi được tham gia chương trình "Quản lý bệnh viêm gan B mãn tính và bệnh viêm gan virus C" tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân được lập hồ sơ theo dõi, được xét nghiệm các chức năng cơ bản của gan, đếm số lượng virus, định tuyp, đột biến kháng thuốc… trên hệ thống máy hiện đại, tự động Cobas AmpiPep cho kết quả chính xác, giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, những nguy cơ từ viêm gan B mãn sang bệnh xơ gan và ung thư gan, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Điều đáng mừng là hiện nay, các chi phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân viêm gan B, C đều được bảo hiểm y tế chi trả, giúp cho bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên, đem lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho người bệnh.
Cùng với việc quản lý, điều trị bệnh viêm gan B,C mãn tính tại Bệnh viện, thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống viêm gan virus của Bộ Y tế và tầm soát, phát hiện sớm, điều trị viêm gan B, C cho người dân tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai chương trình khám sàng lọc, tầm soát cho bệnh nhân viêm gan virus B, C tại cộng đồng. Trong năm 2018, Bệnh viện đã khám sàng lọc, tầm soát, tư vấn kiến thức phòng bệnh viêm gan B, C tại cộng đồng cho 1.784 lượt người, tại 15 xã thuộc huyện Kim Sơn và Nho Quan. Qua đó phát hiện 132 người mang virus viêm gan B và 9 người viêm gan C, những người này được đưa vào quản lý và điều trị kịp thời. Năm 2019, Bệnh viện tiếp tục khám, sàng lọc, tư vấn bệnh cho trên 2 nghìn đối tượng từ 15 tuổi trở lên, tại 2 huyện Yên Khánh và Yên Mô, giúp người dân trong cộng đồng có nhận thức, nâng cao cảnh giác trong việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị triệt để bệnh viêm gan virus và các bệnh lý về gan.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh viêm gan virus B, C, người dân cần lưu ý: Mỗi người cần đi tầm soát bệnh lý viêm gan B, C để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Thực hiện tiêm an toàn và sử dụng các sản phẩm máu an toàn. Không dùng chung dụng cụ tiêm chích. Tránh quan hệ tình dục không an toàn. Không xăm trổ hoặc xâu khuyên và châm cứu bằng các dụng cụ nhiễm bẩn. Không dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn dễ lây bệnh...
Bài, ảnh: Hạnh Chi