Ông Phạm Văn Bắc là bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 5 năm nay. Mỗi tuần 3 lần, ông Bắc chạy xe từ xã Kim Định (huyện Kim Sơn) lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiến hành lọc máu. "Nhờ có tấm thẻ BHYT tôi mới có điều kiện chữa bệnh, được điều trị bệnh lâu dài tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và có thể sống khỏe mạnh đến ngày hôm nay. Bởi thực sự nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ, mỗi tháng tôi phải chi trả trên dưới 3 triệu đồng thì không thể có điều kiện chữa bệnh lâu dài như vậy được. Không chỉ được điều trị bệnh kịp thời, mỗi người điều trị bệnh tại Khoa Thận nhân tạo còn được các y, bác sĩ quan tâm động viên, tận tình, chu đáo hỏi han, chia sẻ nên chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng điều trị bệnh và sống vui, sống khỏe…" - ông Bắc cho biết thêm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có trên 17 nghìn người đăng ký KCB BHYT ban đầu, trong đó chủ yếu là đối tượng hưu trí, đối tượng gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính, bệnh nặng, chi phí điều trị lớn… Trong đó, số lượng bệnh nhân điều trị các bệnh mãn tính có khoảng trên 10 nghìn người, chiếm một phần trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Đơn cử như bệnh mãn tính về thận, nếu không có thẻ BHYT, mỗi bệnh nhân điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo một đợt điều trị có thể lên tới trên 30 triệu đồng; bệnh nhân viêm gan virus, mỗi đợt điều trị chi phí trên 10 triệu đồng; bệnh nhân tăng huyết áp và nội tiết, mỗi tháng khám và lấy thuốc định kỳ cũng tiêu tốn trên 1 triệu đồng… Đặc biệt, với bệnh nhân phải can thiệp mạch, phẫu thuật tim, xạ trị ung thư…, chi phí một đợt điều trị có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đã có nhiều đối tượng, nhiều gia đình không tham gia BHYT, không được BHYT chi trả chi phí KCB khi không may ốm đau, mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo đã trở nên khánh kiệt, không thể tiếp tục điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, nếu có thẻ BHYT, người dân có thêm nhiều quyền lợi khác, như được kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên để nắm được thực trạng sức khỏe của mình; được hỗ trợ chi trả thêm chi phí KCB nếu tham gia đủ 5 năm trở lên…
Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh, để không ngừng nâng cao chất lượng KCB BHYT, Bệnh viện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tập trung vào cải tiến quy trình KCB; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực; nâng cao y đức, quy tắc ứng xử cho đội ngũ y, bác sĩ…, từng bước đáp ứng nhu cầu KCB theo hạng bệnh viện, tạo thuận lợi cho nhân dân, không có sự phân biệt giữa khám BHYT và khám dịch vụ.
Trong quá trình KCB, thông qua Đề án nâng cao chất lượng bệnh viện, thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 về chuyển giao các kỹ thuật cao trong khám và điều trị…, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được các Bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu, từ đó chất lượng KCB được nâng lên, tạo niềm tin, sự hài lòng cho người bệnh. Cùng với đó, Bệnh viện luôn chú trọng đến việc ứng dụng các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, hiện đại; đầu tư nâng cấp, cải tiến chất lượng bệnh viện và triển khai các dịch vụ y tế tiên tiến; thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, chính xác chính sách BHYT cho người dân đến khám và điều trị. Thêm vào đó, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT, đáp ứng tốt việc thanh toán chi phí KCB BHYT cho người bệnh. Đồng thời, các kỹ thuật cao trong khám và điều trị như: Can thiệp tim mạch, mổ tim hở, thay ổ khớp nhân tạo, chạy thận nhân tạo, các loại thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư… đã được BHYT chi trả, góp phần giảm số người bệnh phải chuyển tuyến Trung ương điều trị, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh, góp phần thúc đẩy và mở rộng đối tượng tham gia BHYT.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Để thực hiện tốt công tác KCB cho người có thẻ BHYT, Bệnh viện thực hiện tốt các quy trình KCB BHYT theo quy định của Bộ Y tế về chuyển tuyến, đăng ký KCB BHYT; không giữ bệnh nhân khi vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật; thường xuyên thực hiện công tác giáo dục y đức cho cán bộ y tế; thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn, đặc biệt là quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức... Cùng với đó, Bệnh viện cũng phối hợp chặt chẽ với Phòng giám định BHYT của BHXH tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết những vướng mắc, thực hiện tốt hợp đồng KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Bệnh viện cũng làm tốt việc cung ứng, tư vấn sử dụng thuốc, đảm bảo đủ thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để điều trị cho người bệnh đạt kết quả cao nhất. 6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã KCB cho gần 200 nghìn lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, đáp ứng yêu cầu KCB BHYT của người dân trên địa bàn.
Mỹ Hạnh