"Cứu cánh" của người bệnh Nằm viện được 3 tuần, với cụ Nguyễn Văn Tạn, 89 tuổi ở xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô như vừa trải qua một "trận chiến ác liệt" với bệnh tật. Trên giường bệnh, tuy vẫn còn mệt sau những ngày điều trị chứng tắc động mạch vành, cụ Tạn chia sẻ: Tôi bị bệnh tim từ nhiều năm. Năm 2013 con cháu đưa lên Hà Nội cấp cứu một lần do bị tắc động mạch vành, khi đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có phương pháp điều trị chứng bệnh này. Đường xa, bệnh trọng nên suốt quãng đường dài hơn 100 km, con cháu có lúc tưởng cụ… "đi".
Sau một đợt điều trị dài ngày ở Hà Nội, con cháu phải đi lại vất vả, tốn kém để chăm sóc nên lúc nào tôi cũng mong mỏi bệnh viện tỉnh có phương pháp điều trị cho những người mắc bệnh như tôi… Tiếp lời cụ, bác Nguyễn Văn Tiến, con trai của cụ Tạn cho biết: Qua theo dõi thông tin trên báo chí gia đình tôi biết được tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới triển khai hệ thống can thiệp mạch. Do đó, bố tôi được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện luôn, ông được đặt sten động mạch vành nên giờ sức khỏe đã ổn định trở lại…
Theo bác sỹ Mai Thị Như Hoa, Phó trưởng khoa Tim mạch: Khi chưa hình thành hệ thống can thiệp mạch, trung bình 1 năm Bệnh viện phải chuyển gần 200 bệnh nhân lên tuyến trên, nhất là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Có trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường đi cấp cứu… Từ tháng 6-2014 khi Bệnh viện đầu tư hệ thống can thiệp mạch, trang bị máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, tất cả những trường hợp phải can thiệp mạch đều được chỉ định chụp mạch, giúp bác sỹ đưa ra những chẩn đoán chính xác cho việc điều trị của bệnh nhân.
Đến khoa Chấn thương, một trong những khoa có sự phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu của Bệnh viện do đây là khoa hàng ngày tiếp đón, cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân nặng: chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương chi… Theo bác sỹ Lê Đức Nghị, Trưởng khoa Chấn thương: Mỗi năm Khoa phát triển từ 2-3 kỹ thuật mới để giảm bớt khó khăn cho người bệnh nếu phải lên tuyến trên.
Năm 2015 Khoa đã phát triển được một số kỹ thuật mới: phẫu thuật nội soi lồng ngực, mổ máu tụ trong não, dẫn lưu não thất… bên cạnh những kỹ thuật cao đang được duy trì là: phẫu thuật nẹp vít cột sống, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối… Việc thực hiện được các kỹ thuật kể trên tại Bệnh viện không chỉ giúp người bệnh và gia đình giảm bớt được khó khăn về chi phí, đi lại, mà còn giúp đội ngũ y, bác sỹ của Khoa trau dồi được tay nghề, chuyên môn.
Nỗ lực vươn lên làm chủ các kỹ thuật mới, chuyên sâu
Trao đổi với bác sỹ Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được biết: Nhờ có sự quan tâm của ngành y tế và của tỉnh nên Bệnh viện đã được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ như: hệ thống khí y tế trung tâm, hệ thống khí sạch buồng mổ, máy chụp CT 64 lát, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 tesla, xét nghiệm Tranferin, hệ thống máy chụp can thiệp mạch...
Để làm chủ các thiết bị, Bệnh viện đã cử các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các khoa lên các bệnh viện tuyến trung ương để đào tạo kỹ thuật thuộc chuyên ngành. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên trong thực hiện Đề án 1816 và đề án "Bệnh viện vệ tinh" để mời các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực về chuyển giao kỹ thuật theo hình thức "cầm tay chỉ việc"…
Do đó, trung bình mỗi năm, Bệnh viện đã triển khai được từ 30 - 35 kỹ thuật mới. Đặc biệt, từ năm 2012 Bệnh viện được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện 46 kỹ thuật vượt tuyến, trong đó có 27 kỹ thuật lâm sàng và 19 kỹ thuật cận lâm sàng. Một số kỹ thuật tiêu biểu được các bác sỹ Bệnh viện tự tin làm chủ, ứng dụng trong khám và điều trị: Nút mạch điều trị ung thư gan, nút mạch điều trị u xơ tử cung, chụp nong đặt sten mạch vành, gây tê cạnh cột sống, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm Tranferin, phân tích tỷ lệ bạch cầu…
Sự phát triển về chuyên môn kỹ thuật chính là một trong những yếu tố quan trọng để người bệnh yên tâm đến khám, điều trị tại Bệnh viện, khắc phục được tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên. Những năm qua, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm mạnh, năm 2014 là 2,47%, đến năm 2015 còn 2,37%...
Nét nổi bật trong việc phát triển kỹ thuật mới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đã nhận được sự tham gia tích cực của của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn Bệnh viện. Có thể kể đến hoạt động của hệ thống can thiệp mạch. Để hệ thống can thiệp mạch đi vào hoạt động hiệu quả, đội ngũ y, bác sỹ của Khoa Tim mạch đã phải chuẩn bị từ lâu.
Trên cơ sở kế hoạch đăng ký phát triển kỹ thuật mới của Khoa và thực tế sự cần thiết phải hình thành được hệ thống can thiệp mạch để cấp cứu bệnh nhân, Bệnh viện đã cử ê kíp bác sỹ, điều dưỡng đi đào tạo tại các trung tâm tim mạch có uy tín như: Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) và đều được cấp chứng chỉ về tim mạch can thiệp.
Sau đó, để thành thạo các kỹ thuật, Bệnh viện đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về tim mạch ở tuyến trên về trợ giúp theo Đề án "Bệnh viện vệ tinh" đã được Bộ Y tế phê duyệt. Do đó, cùng với hệ thống máy móc được trang bị hiện đại, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng đã làm chủ được kỹ thuật mới, sẵn sàng cho công tác cấp cứu, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Hay như tại Khoa Chấn thương, thông qua việc thực hiện Đề án 1816 và "Bệnh viện vệ tinh", Khoa đã có sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các bệnh viện trung ương, nhất là Bệnh viện Việt Đức trong việc chuyển giao - tiếp nhận các kỹ thuật mới.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung phát triển các kỹ thuật mới một số chuyên khoa đang có đông nhu cầu bệnh nhân như: Khoa Giải phẫu bệnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chấn thương, Khoa Điều trị tích cực - chống độc, Khoa Ung bướu…
Trong đó, trước tình trạng mỗi năm có khoảng từ 700 - 800 bệnh nhân mắc viêm gan vi rút B, C thường phải chuyển lên tuyến trên điều trị, Bệnh viện đã đầu tư máy sinh học phân tử, cử cán bộ đi đào tạo về lĩnh vực xét nghiệm định lượng vi rút, nhận chuyển giao gói kỹ thuật "Quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh nhân viêm gan vi rút B, C" từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương… để đưa việc quản lý, điều trị bệnh nhân viêm gan B, C vào nền nếp, giúp giảm tải cho tuyến trên và tạo thuận lợi cho người bệnh.
Phan Hiếu