Từ đầu giờ sáng, Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã khá đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Bệnh nhân Phùng Thị Xuân, 75 tuổi ở thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) cho biết: Tôi bị đau chân mấy tháng nay, lúc đầu bệnh nhẹ, lâu dần nặng lên. Tôi điều trị bằng thuốc tây thời gian khá dài nhưng không khỏi hẳn. Thời gian gần đây, tôi bị tê cứng chân không đi lại được. Các bác sỹ tư vấn cho tôi chuyển sang điều trị bằng châm cứu. Nhập viện được 8 ngày nay, đến nay chân tôi đã đỡ đau nhiều.
Đối với bệnh nhân Lê Văn Diễn ở thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa đến Bệnh viện để châm cứu do đau dây thần kinh vai, ông chia sẻ: Tôi bị bệnh đau thần kinh vai mạn tính, thường xuyên điều trị tại Bệnh viện huyện. Người dân địa phương rất tin tưởng khi điều trị bệnh bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện và rất hài lòng trước tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, thái độ ứng xử niềm nở của y, bác sỹ, từ đó động viên tinh thần người bệnh khi nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện.
Từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã thành lập Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng. Với nhiệt huyết và tình yêu nghề, các cán bộ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã không ngừng rèn luyện nâng cao y đức, tích cực nghiên cứu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ khám và điều trị cho người bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận trên 40 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Đa số các bệnh nhân đến khám đều có các triệu chứng của bệnh xương khớp, cao huyết áp, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, châm cứu phục hồi chức năng sau tai biến... Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người người bệnh, Bệnh viện đã trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho việc điều trị bệnh bằng y học cổ truyền như: 30 máy châm cứu, 12 chiếc đèn hồng ngoại, 2 máy laser châm cứu, 2 máy điện phân, 2 máy sóng ngắn, 1 máy kéo giãn cột sống, 5 máy xông chân, 2 bồn thủy trị liệu, 2 giàn sắc thuốc thang 16 ấm… Hiện Khoa Y học cổ truyền- Phục hồi chức năng được đầu tư hiện đại với 7 buồng thủ thuật; 5 buồng bệnh thực kê 35 giường; kho thuốc y học cổ truyền với hệ thống bảo quản khép kín, khoa học. Trình độ nhân lực trong khám, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền cũng được quan tâm, bổ sung. Bệnh viện thường xuyên cử cán bộ, y, bác sỹ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương và mời các bác sỹ giỏi về hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2015 và 2016, Bệnh viện có 7 người được cử đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...
Trong 3 năm qua, Bệnh viện đã áp dụng trên 10 dịch vụ kỹ thuật mới, gồm các dịch vụ đúng tuyến và vượt tuyến như Laser châm, laser nội mạch, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, xông hơi thuốc, paraphin... có tác dụng, hiệu quả cao trong điều trị và được người bệnh tin tưởng. Hàng năm, có trên 1.500 người bệnh đến điều trị bằng y học cổ truyền - phục hồi chức năng với trên 10.000 ngày điều trị nội trú, trên 10.000 ngày điều trị ngoại trú; thực hiện hàng trăm nghìn lượt các loại thủ thuật điều trị không dùng thuốc, tập luyện phục hồi chức năng cho hàng nghìn người bệnh, tỷ lệ khỏi, đỡ giảm đạt từ 90%, không để xảy ra tai biến trong điều trị, được người bệnh tin tưởng. Đồng thời, Bệnh viện tham gia công tác chỉ đạo tuyến theo Đề án 1816 cho các đơn vị tuyến cơ sở trong huyện về y học cổ truyền, tham gia xây dựng các vườn cây thuốc mẫu tại các trạm y tế. Đặc biệt, năm 2015, Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô đã được Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao theo mô hình Bệnh viện vệ tinh gói kỹ thuật kiểm soát và điều trị cột sống, đây là vinh dự lớn của 1 khoa thuộc bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh.
Bác sỹ Đoàn Ngọc Quý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô cho biết: Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng được xem như thế mạnh của Bệnh viện. Xác định yếu tố con người là yếu tố quyết định cho mọi thành công, thời gian tới Bệnh viện tiếp tục cử người đi đào tạo, cử 1 bác sỹ đi học chuyên khoa I về y học cổ truyền; tiếp tục đưa y sỹ, kỹ thuật viên đi đào tạo sâu về chuyên khoa để thực hiện danh mục kỹ thuật đã được phân tuyến huyện và tiến tới phát triển thực hiện được những danh mục kỹ thuật vượt tuyến, thực hiện được danh mục kỹ thuật tuyến tỉnh. Cùng với đó đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, đầu tư máy móc liên quan đến sắc thuốc, bào chế, phục hồi chức năng. Tiến tới mở rộng thêm, làm thêm mặt hàng thuốc hoàn tán phục vụ người bệnh. Bệnh viện cũng tính toán tạo cơ chế hoạt động cho Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng để không chỉ thu hút bệnh nhân trong huyện mà còn bệnh nhân tỉnh ngoài đến khám, chữa bệnh nhiều hơn. Cùng với cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, Bệnh viện sẽ mạnh dạn tạo cơ chế thông thoáng cho Khoa để phát huy được năng lực khám, chữa bệnh y học cổ truyền và thu hút người bệnh đến với Bệnh viện.
Bài, ảnh: Hồng Vân