Đến Khoa Nhi cấp cứu của Bệnh viện, dù là buổi chiều nhưng ngoài những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa, vẫn có những bệnh nhi mới được tiếp nhận. Phần lớn trong số này là những bệnh nhi cấp cứu vì triệu chứng sốt liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy. Chị Tạ Thị Thoa (xã Khánh Thiện) là mẹ của bệnh nhi Hoàng Yến Nhi cho biết: Cháu nhà tôi mới 15 tháng tuổi nên khi thấy con tiêu chảy liên tục, gia đình vội đưa vào bệnh viện cấp cứu mà không dám xử trí hay điều trị gì tại nhà. Con nhỏ bị bệnh lại thường xuyên quấy khóc nhưng các y, bác sỹ ở đây chẳng một lời kêu ca hay phàn nàn gì mà ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu, chẩn đoán bệnh rồi lên phác đồ điều trị ngay. Biết tôi lần đầu nuôi con nhỏ nên kiến thức còn hạn hẹp, bác sỹ điều trị còn dặn dò, hướng dẫn cụ thể một số kiến thức sơ đẳng về chăm sóc trẻ cũng như cách phòng, chống dịch bệnh cho trẻ. Khoa Nhi cấp cứu có số lượng bệnh nhi hàng ngày nhập viện đông. Mặc dù khoa chỉ có 10 giường kế hoạch, nhưng số giường thực kê là 25 giường, nhiều thời điểm không đáp ứng đủ cho số bệnh nhi nhập viện. Theo bác sỹ Nguyễn Phương Thảo: Trẻ nhỏ vào thời điểm giao mùa thường hay mắc bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp nên số lượng trẻ nhập viện đông. Với đặc thù trẻ nhỏ nên việc khám, điều trị cho trẻ gặp khó khăn do: trẻ sợ đau, quấy khóc, không hợp tác khi được tiêm, truyền… nên việc làm quen để trẻ phối hợp với các y, bác sỹ là hết sức cần thiết và quan trọng. Do đó, người bác sỹ phải luôn nhẹ nhàng, ân cần để hỏi thăm tình hình người bệnh. Với các bậc phụ huynh, phần lớn còn thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho trẻ nên các y, bác sỹ cần phải hướng dẫn tận tình, chu đáo về cách phòng, chống dịch bệnh cho trẻ, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của gia đình người bệnh để họ hiểu và chấp hành tốt nội quy, quy chế của Bệnh viện và của khoa… Trao đổi với bác sỹ Phan Sỹ Điển, Giám đốc Bệnh viện được biết thêm: Hiện nay, Bệnh viện có gần 75.000 thẻ BHYT đang tham gia khám, chữa bệnh. Trung bình một ngày có gần 300 lượt người khám bệnh ngoại trú, trên 200 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Chưa kể, số bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính: viêm phổi, xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… thường xuyên đến khám và lấy thuốc định kỳ. Do đó, việc đón tiếp, thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế với người bệnh là hết sức quan trọng. Thực hiện Thông tư số 07 của Bộ Y tế về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động, Bệnh viện đã tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của quy tắc ứng xử cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động, tổ chức ký cam kết giữa 14 khoa, phòng trong bệnh viện, giữa các khoa, phòng với lãnh đạo bệnh viện, giữa nhân viên với trưởng khoa. Các khoa, phòng đều triển khai treo hệ thống biển hướng dẫn về thực hiện quy tắc ứng xử, y đức của người thầy thuốc để mọi cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều nhìn thấy, nghiêm túc thực hiện, có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện của mỗi cán bộ, nhân viên. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát, chế độ khen thưởng, xử lý kỷ luật công bằng, khách quan cũng là yếu tố quan trọng để quy tắc ứng xử từng bước phát huy hiệu quả tại Bệnh viện. Do đó, thời gian qua, tại các khoa, phòng, nhất là khu vực có đông bệnh nhân như Khoa khám bệnh, Khoa Nhi cấp cứu…, người bệnh được đón tiếp, hướng dẫn tận tình, chu đáo các thủ tục lấy số vào khám bệnh theo thứ tự, đi làm các xét nghiệm ngay mà không bị phiền hà, sách nhiễu từ cán bộ y tế. Trong thực hiện khám, chữa bệnh, không có sự phân biệt đối xử giữa người bệnh có thẻ BHYT với người không có thẻ BHYT. Người bệnh vào nằm điều trị đều được thăm khám, hướng dẫn cách dùng thuốc, chế độ chăm sóc, hộ lý tương đối đầy đủ. Trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, những từ ngữ như: ông/bà/anh/chị… luôn được sử dụng đặt trước các câu hỏi, câu trả lời của cán bộ y tế, không còn hiện tượng nói trống không hay gắt gỏng. Bên cạnh đó, thông qua việc duy trì hòm thư góp ý, đường dây nóng, họp hội đồng người bệnh tại Bệnh viện, thực hiện khảo sát sự hài lòng của người bệnh cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khi nhận được những ý kiến đóng góp của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Theo đồng chí Giám đốc Bệnh viện, cùng với việc thực hiện quy tắc ứng xử, Bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện việc đổi mới phong cách, thái độ làm việc của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng những nội dung thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của Bệnh viện. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện nghiêm 12 điều y đức của người thầy thuốc gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảm bảo công tác khám, chữa bệnh luôn công bằng, khách quan; đảm bảo khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chi trả của người bệnh; đảm bảo công tác thăm khám và điều trị bệnh, công khai chi tiết từng khoản chi phí trong phiếu thanh toán giá dịch vụ y tế mà người bệnh phải thanh toán, không gây phiền hà cho người bệnh khi xuất viện, chuyển viện, chuyển khoa…
Bài, ảnh: Lý Nhân