Năm 2012, Bệnh viện đa khoa huyện Hoa Lư được chia tách từ Trung tâm y tế Hoa Lư cũ và trở thành một đơn vị độc lập thực hiện chức năng nhiệm vụ của bệnh viện hạng III với quy mô 60 giường bệnh.
Bệnh viện gồm 6 khoa lâm sàng và 1 khoa cận lâm sàng, 1 phòng khám đa khoa khu vực và 4 phong chức năng, với đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên là 69 người, trong đó có 10 bác sĩ.
Trong những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa Hoa Lư luôn là đơn vị bị bội chi quỹ KCB BHYT. Đồng chí Đinh Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hoa Lư là đơn vị có số người tham gia khám chữa bệnh theo thẻ BHYT thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, khoảng 37.000 đến 39.000 thẻ/67.000 dân, chiếm khoảng trên 56% dân số (toàn tỉnh khoảng 64% dân số KCB theo thẻ BHYT).
Trong khi cơ cấu thẻ BHYT trên địa bàn huyện không đồng đều, số thẻ có mệnh giá thấp chiếm tỷ lệ cao như: thẻ học sinh chiếm tỷ lệ 25,1% những mệnh giá thấp chỉ có 18.300 đồng; đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, hộ nghèo, cận nghèo thường là các đối tượng mắc bệnh mãn tính, nan y, có bệnh mới tham gia mua BHYT, trong khi phải thường xuyên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên dẫn đến tần xuất KCB cao…
Khó khăn nhất của bệnh viện khi KCB BHYT đó là do đặc điểm địa lý của huyện nằm bao quanh thành phố Ninh Bình, nên có 5 xã phía Nam huyện và phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên nếu vượt khả năng chuyên môn không điều trị được thì chuyển thẳng các Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, Bệnh viện Quân y 5.
Trong khi đó, số thẻ BHYT ở 5 xã và Phòng khám đa khoa khu vực cầu Yên là 12.000-15.000 thẻ, chiến khoảng 40% thẻ BHYT toàn huyện, tỷ lệ chuyển tuyến của khu vực này là 48% (tỷ lệ chuyển tuyến tại Bệnh viện Hoa Lư chỉ chiếm 3,4%), gây nên tình trạng Bệnh viện không thể kiểm soát được quỹ, tạo nên tình trạng bội chi quỹ, quỹ KCB của Bệnh viện thấp hơn so với các bệnh viện khác.
Hệ lụy của tình trạng vượt quỹ KCB tại Bệnh viện đa khoa Hoa Lư nhiều năm qua đã làm cho bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán công tác tài chính năm của đơn vị và không có điều kiện tiếp tục đầu tư thuốc và các trang thiết bị hiện đại trong điều trị, phục vụ người bệnh.
Trong các kỳ thanh quyết toán, cơ sở KCB chỉ được quyết toán 1 số kinh phí rất nhỏ so với kinh phí phát sinh tại đơn vị và số tiền BHXH huyện cho tạm ứng khoảng 70% số kinh phí phát sinh tại đơn vị.
Số kinh phí này không đủ cho cơ sở KCB thanh toán chi trả tiền mua thuốc-vật tư y tế, thanh toán chi cho việc cải cách tiền lương (35% tổng số tiền sau khi trừ đi chi phí), thanh toán tiền điện, nước, vật tư, văn phòng phục vụ công tác KCB...
Tính đến hết năm 2012, BHXH huyện Hoa Lư còn nợ trên 2,6 tỷ đồng (cả nợ đa tuyến là 4 tỷ đồng), trong khi Bệnh viện nợ các Công ty cung ứng thuốc và vật tư y tê là trên 3 tỷ đồng (chưa kể quý I/2013), gây khó khăn cho nhà thầu và bệnh viện trong việc cung ứng các lần tiếp theo.
Theo đồng chí Đinh Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoa Lư thì: Để triển khai tốt việc thực hiện KCB BHYT thời gian tới trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có 75% người dân tham gia KCB theo thẻ BHYT thì cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xem xét và có phương án giải quyết hợp lý số bệnh nhân của 5 xã phía Nam huyện và phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên được chuyển thẳng lên các Bệnh viện tuyến tỉnh để giảm khó khăn trong công tác quản lý quỹ KCB của đơn vị.
Là cơ sở KCB thường xuyên vượt quỹ KCB do nguyên nhân bất khả kháng, đề nghị BHXH tỉnh tăng thêm hệ số K, tạo điều kiện tăng thêm nguồn quỹ KCB cho đơn vị và xem xét lại cơ cấu thanh toán giữa chi phí phát sinh ngoài đơn vị và chi phí phát sinh tại đơn vị. Tạm ứng kinh phí chi trả khám chữa bệnh BHYT đúng thời gian cho các cơ sở khám chữa bệnh; có cơ chế chính sách phù hợp trong việc thanh quyết toán BHYT kịp thời để bệnh viện có kinh phí hoạt động.
Bài, ảnh: Hồng Vân