Ngày 17-4, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại Hội trường, nghe Chủ tọa kỳ họp tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu HĐND tỉnh; nghe đại diện lãnh đạo UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm thảo luận; thông qua các Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Qua thảo luận tại tổ về các nội dung của kỳ họp, đã có 42 lượt đại biểu góp ý kiến thảo luận. Các đại biểu đồng tình cao với việc tổ chức kỳ họp chuyên đề để dành thời gian đi sâu vào các đề án, dự thảo nghị quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và các vấn đề khác đặt ra. Đa số các ý kiến phát biểu đánh giá: Nhìn chung, các đề án của UBND tỉnh được chuẩn bị kỹ, đầy đủ căn cứ pháp lý, đúng định hướng lãnh đạo của Tỉnh ủy và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đối với đề án, dự thảo nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, các đại biểu thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Đồng thời khẳng định, việc ban hành Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tầm chiến lược quan trọng, góp phần thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Về đánh giá thực trạng, một số đại biểu cho rằng việc đánh giá thực trạng nông thôn mới tại một số xã thuộc huyện Kim Sơn, Nho Quan có một số tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với tình hình thực tế như tiêu chí về điện, về cơ sở hạ tầng… Về chỉ tiêu cụ thể, một số đại biểu đề nghị xem xét tính khả thi của các chỉ tiêu: đến năm 2015 đưa 1.700 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; xây dựng, cải tạo, nâng cấp 209 trạm bơm; 60% nhà văn hóa xã đạt chuẩn. Về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ: Nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ đối với các xã không nên theo một mức chung mà tính toán hỗ trợ trên cơ sở điều kiện kinh tế-xã hội, dân số, diện tích và đặc điểm vùng, miền của địa bàn từng xã cho phù hợp như đối với xã miền núi, xã bãi ngang, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đông dân cư… Về tổ chức thực hiện, hầu hết các đại biểu cho rằng việc triển khai đề án cần khoản kinh phí rất lớn với nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, khó phân bổ nguồn vốn chi tiết hàng năm ngay trong Đề án, do vậy, để triển khai hiệu quả Đề án cần quy định cụ thể trong Nghị quyết của HĐND tỉnh là: "Hàng năm, giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định". Một số đại biểu đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế giám sát và quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, nhất là chất lượng công trình.
Biểu quyết thông qua nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp. Ảnh: Phạm Trường
Về đề án, dự thảo nghị quyết về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015 tỉnh Ninh Bình, các đại biểu đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Nhiều đại biểu đề nghị cần phân tích và đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, nguồn gây ô nhiễm còn bao gồm cả bao bì và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng hóa chất dân dụng vào nguồn nước, nguồn không khí…; bổ sung và làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như nguyên nhân về ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này; cơ chế, chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hiệu quả hành vi gây ô nhiễm môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết; việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường chưa chặt chẽ; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thẩm định, xử lý ô nhiễm môi trường còn thiếu… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị bổ sung nhóm giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xây dựng hương ước làng xã có nội dung bảo vệ môi trường; có giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, đồng thời chú trọng hơn nữa công tác thẩm định, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về công tác này. Nhiều đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp để đảm bảo tính khả thi; xem xét giải pháp xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công suất 10 tấn/ngày tại huyện Yên Mô và khu chôn lấp rác thải tại huyện Nho Quan, Kim Sơn; cần có giải pháp đưa các cơ sở sản xuất, chăn nuôi ra khỏi địa bàn khu vực dân cư; bổ sung giải pháp hoàn thiện các công trình xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giải pháp về quản lý cần ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ sạch; nghiên cứu tăng mức thu phí về vệ sinh môi trường thu gom rác thải vì hiện nay mức thu này rất thấp. Hầu hết các đại biểu có ý kiến nguồn kinh phí thực hiện đề án lớn, phụ thuộc nhiều vào ngân sách, vì vậy HĐND tỉnh nên thông qua Đề án và giao UBND tỉnh, hàng năm, căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện.
Về đề án, dự thảo nghị quyết về đề nghị công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, các đại biểu nhất trí với nội dung Đề án, dự thảo Nghị quyết trên và cho rằng: Việc thị xã Tam Điệp lên đô thị loại III là phù hợp với xu thế khách quan, xứng đáng với vị thế của thị xã. Tuy nhiên, trong giải pháp thực hiện cần quan tâm tới sự chuyển biến về chất lượng của các tiêu chí, xác định một số công trình trọng điểm tạo điểm nhấn ấn tượng, có lộ trình cụ thể và sự quyết tâm cao trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ. Có đại biểu đề nghị để xây dựng và phát triển thị xã Tam Điệp trở thành đô thị loại III trong năm 2012 và trở thành đô thị loại II vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị HĐND tỉnh giao UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù về tài chính đối với thị xã.
Về đề án, dự thảo nghị quyết về chính sách ưu đãi về sử dụng đất đối với các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, một số đại biểu đề nghị nên sửa phạm vi điều chỉnh trong phần tiêu đề và nội dung Đề án để tạo sự thống nhất. Nhiều đại biểu cho rằng Đề án có một số nội dung về định mức, địa bàn chưa phù hợp với quy định của pháp luật, đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...
Về đề án, dự thảo nghị quyết về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, đa số các đại biểu cho rằng: để đảm bảo đúng quy định pháp luật về việc ban hành văn bản cá biệt và văn bản quy phạm pháp luật, HĐND tỉnh nên tách ra để ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết về việc quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tỉnh Ninh Bình đến năm 2015 và Nghị quyết về việc thông qua Đề án về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, đồng thời giao UBND tỉnh căn cứ vào Đề án này và tình hình ngân sách của tỉnh, hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động của dân quân tự vệ cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và tình hình thực tiễn của địa phương, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Về đề án, dự thảo nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 15-7-2009 của HĐND tỉnh về việc quy định tổ chức và mức phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các đại biểu cơ bản thống nhất với Đề án, dự thảo nghị quyết. Một số đại biểu đề nghị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan cần lựa chọn, bố trí người có trách nhiệm, nhiệt tình, đảm bảo điều kiện sức khỏe, năng lực tham gia lực lượng bảo vệ dân phố để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ.
Về đề án, dự thảo nghị quyết về chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2012-2015, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung về thực trạng kết quả hoạt động trong những năm qua và đóng góp vào một số nội dung trong phạm vi điều chỉnh và phần chính sách hỗ trợ khác của Đề án.
Thực hiện chương trình kỳ họp, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình làm rõ thêm các ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu HĐND tỉnh về những nội dung của các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. UBND tỉnh đã tiếp thu các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu; đối với một số vấn đề, chỉ tiêu chưa phù hợp, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các Đề án, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 8 Nghị quyết, đó là: Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015 tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết về chính sách ưu đãi về sử dụng đất đối với các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết về đề nghị công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; Nghị quyết về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Ninh Bình đến năm 2015; Nghị quyết về việc quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tỉnh Ninh Bình đến năm 2015; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 15-7-2009 của HĐND tỉnh về việc quy định tổ chức và mức phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết về chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2012-2015.
Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, trí tuệ, đổi mới và trách nhiệm, kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành tốt đẹp nội dung, chương trình đề ra. Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày diễn văn bế mạc kỳ họp.