Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII đã thành công tốt đẹp. Để phát huy những kết quả của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau kỳ họp này, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để thống nhất nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần tăng cường các hoạt động giám sát một cách thường xuyên hơn, quyết liệt hơn, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các luật và nghị quyết của Quốc hội, tạo bước chuyển biến mới rõ rệt trong thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội; góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hoạt động của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình để ban hành Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn cả mặt tốt, mặt chưa tốt mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở đó, điều chỉnh để các mô hình này ngày càng phù hợp hơn. Chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc của cuộc sống
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII nêu rõ, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII, đã có 264 chất vấn bằng văn bản của 114 đại biểu Quốc hội ở 44 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 20 vị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Tại Hội trường, Thủ tướng Chính phủ và các vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp trả lời 122 lượt chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn đã được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi; các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền, bảo đảm tính công khai, minh bạch và góp phần gắn kết hoạt động của Quốc hội với nhân dân. Tuy nhiên, phiên chất vấn cũng còn những hạn chế nhất định, có những trường hợp hỏi và trả lời còn dài, chưa tập trung vào vấn đề chính, thiếu tính khái quát; một số vấn đề chưa được phân tích sâu, chưa tìm ra nguyên nhân căn bản, sâu xa, giải pháp và xác định rõ trách nhiệm. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ sáu và thứ bảy của Quốc hội, xem xét những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp và những chất vấn khác được gửi đến trong thời gian giữa hai kỳ họp để tổ chức việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia hoạt động chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp.
Theo TTXVN/Vietnam+