Tham dự hội nghị có người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta và Cộng hòa Síp.
Hội nghị dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận các thách thức kinh tế mà EU sẽ đương đầu trong tương lai gần và các biện pháp tốt nhất để tăng cường khả năng ứng phó của khối.
Đại diện bảy quốc gia thừa nhận rằng, EU đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào đầu năm 2018, sau một thập kỷ khủng hoảng tài chính. "Các bước đi tiếp theo để hoàn thiện Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) là cần thiết nhằm đạt được tăng trưởng bền vững và cân bằng hơn cũng như tính cạnh tranh, việc làm và sự hội tụ", bảy nước khẳng định trong tuyên bố chung.
Ngoài ra, nhóm các nước nêu trên còn kêu gọi hoàn thiện và tăng cường liên minh ngân hàng. Tại cuộc họp, di cư cũng là vấn đề quan trọng được đưa vào chương trình nghị sự, bởi các nước thành viên EU ở khu vực Nam Âu nằm trong tuyến đầu ứng phó cuộc khủng hoảng di cư, phải hứng chịu gánh nặng lớn nhất liên quan các điều kiện đến và đi của người di cư.
Những năm gần đây, các nước này nhiều lần kêu gọi phân bổ lại dòng người di cư và tị nạn sao cho công bằng hơn giữa các thành viên EU. Tuy nhiên, kế hoạch tái phân bổ và tái định cư liên quan hạn ngạch do Ủy ban châu Âu đưa ra tháng 5-2015 chưa bao giờ được thực thi đầy đủ do các đối tác khác có quan điểm trái ngược."Việc quản lý dòng người di cư sẽ là một thách thức cơ bản đối với EU trong những năm sắp tới, chúng tôi đặc biệt quan ngại về vấn đề này", bảy nước nhấn mạnh trong tuyên bố.
Tuyên bố cũng cho rằng: "Vai trò cơ bản và gánh nặng trong việc bảo vệ các đường biên giới phải được công nhận và chia sẻ giữa các nước thành viên EU".
Theo Báo Nhân dân