Nhiều năm nay, Báo Yên Bái duy trì phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bằng việc xây dựng các chuyên mục như: "Nhà nông cần biết", "Thủy sản", "Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ rừng", "Thực hiện Chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng" và bắt đầu từ tháng 1 năm 2016 đã chính thức mở chuyên trang "Nông nghiệp và hội nhập". Không nằm trong việc thực hiện các chuyên mục, chuyên trang định kỳ theo kế hoạch, Báo Yên Bái luôn dành một diện tích đáng kể cho việc tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có những chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản theo kế hoạch từng năm nhằm xây dựng các sản phẩm chủ lực, thế mạnh, đặc trưng của từng vùng miền, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh thực ra là một sự tiếp nối mang tầm cao hơn. Đặc biệt, cùng với việc ngành nông nghiệp xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ các cây trồng, vật nuôi có lợi thế thông qua 8 đề án chi tiết để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Báo Yên Bái đã bám sát các nội dung để tuyên truyền.
Các tác phẩm báo chí với nhiều thể loại như tin, bài phản ánh, ghi chép, ký, phóng sự, ảnh... đã tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và tình hình các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng, tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu.
Việc thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020" gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới. Có mối liên hệ không thể tách rời và mang tính chất "cú hích" nếu tiến hành thực hiện Đề án đạt hiệu quả thiết thực sẽ là yếu tố, là động lực thúc đẩy thực hiện phong trào bởi tiêu chí xuyên suốt, quan trọng phải là nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Nắm bắt tình hình các xã triển khai xây dựng nông thôn mới, các tác phẩm báo chí đã phản ánh, tuyên truyền sinh động. Tất cả các địa phương không kể vùng thấp hay vùng cao, vùng có điều kiện thuận lợi hay vùng còn nhiều khó khăn đều đã tích cực triển khai thực hiện phong trào trong các năm qua.
Thực tiễn đã được các tác phẩm báo chí tuyên truyền, phản ánh trung thực về tính chủ động của các địa phương, cùng với hỗ trợ của Nhà nước và khai thác các nguồn khác là sự nỗ lực của nhân dân, những thuận lợi cũng như các khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đó cũng đã có những kiến nghị, đề xuất với các ngành chức năng tháo gỡ các vướng mắc thực tế cho các địa phương, cơ sở.
Đồng thời, các cách làm hiệu quả, sáng tạo của từng địa phương cũng trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác học tập, áp dụng. Việc linh hoạt thực hiện từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới được mỗi địa phương tiến hành phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, phát huy thế mạnh và khai thác tiềm năng, hình thành hướng đi khả thi nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Các tác phẩm báo chí nổi bật ngoài việc phản ánh toàn cảnh ngành nông nghiệp cũng như quá trình xây dựng nông thôn mới, còn đề cập nhiều vấn đề đang được đặt ra.
Đối với sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao, chưa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ nên thu nhập của người nông dân còn thấp, chưa ổn định, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất và việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; một số chính sách chưa thực sự phù hợp thực tế cũng như việc sửa đổi, bổ sung còn chậm; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; việc đưa khoa học công nghệ vào ứng dụng sản xuất chưa phổ biến... Đối với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, chủ yếu các xã mới đạt được các tiêu chí về: hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa, còn các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn đều chưa đạt.
Có những nơi, người dân chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; trình độ đội ngũ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu xây dựng nông thôn mới; vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân được xác định là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa thực sự nổi bật và còn thiếu tính bền vững...
Trong thời gian tới, Báo Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ở các nội dung sau:
Một là, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung thực hiện kế hoạch hành động; thực hiện tái cơ cấu ngành, sản phẩm nông nghiệp theo từng lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường quản lý giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản, thủy sản; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng; tăng cường cải cách thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách.
Hai là, tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa; Đồng thời tuyên truyền giới thiệu nhiều mô hình với những tấm gương nông dân sản xuất giỏi về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển dịch lao động theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Ba là, tuyên truyền theo trọng tâm, trọng điểm; Nội dung thông tin tuyên truyền chú trọng tới các nội dung: Khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trên các cây, con chủ lực phục vụ đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, về tăng số lượng, chất lượng bài phóng sự về thực hành nông nghiệp tốt trên các ấn phẩm của báo Yên Bái Yên Bái Thời sự, Yên Bái Điện tử, Yên Bái Vùng cao; mở thêm chuyên mục "Nhà nông cần biết", "Mô hình, điển hình tiên tiến", "Khoa học kỹ thuật và công nghệ"... góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương và biện pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh; huy động tối đa đóng góp từ mọi nguồn lực để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Năm là, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ phóng viên kinh tế với các chuyên đề chuyên sâu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Báo Yên Bái xác định mục tiêu quan trọng nhất để các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đi vào cuộc sống chính là tạo được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân để mỗi người dân không đứng ngoài, phải nâng cao ý thức chủ thể của bản thân, có trách nhiệm với thôn bản, với quê hương để cố gắng lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu và tích cực đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng địa phương. Với nhiệm vụ tuyên truyền, Báo Yên Bái sẽ tiếp tục đồng hành cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.