Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng có trung du và miền núi, thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó có 1 thành phố (Vĩnh Yên), 1 thị xã (Phúc Yên) và 7 huyện. Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.238,62 km
2, dân số hơn
1,13 triệu người, mật độ dân số 824 người/km
2; Vĩnh Phúc là cầu nối giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tạo lợi thế cho Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua đã tạo cho Vĩnh Phúc những lợi thế mới về vị trí địa lý kinh tế, tỉnh đã trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, sự phát triển các tuyến hành lang giao thông quốc tế và quốc gia liên quan đã đưa Vĩnh Phúc xích gần hơn với các trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của quốc gia và quốc tế thuộc hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, hành lang đường 18 và trong tương lai là đường vành đai 4, vành đai 5… thành phố Hà Nội...
Vị trí địa lý đã mang lại cho Vĩnh Phúc những thuận lợi nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội:Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, gần thành phố Hà Nội nên có nhiều thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hóa, công nghệ, lao động kỹ thuật...
Trong nhiều năm qua, do thu hút đầu tư tăng mạnh, Vĩnh Phúc đã liên tục tăng thu ngân sách, từ hơn 21 nghìn tỷ đồng (năm 2014), lên hơn 22 nghìn tỷ đồng (năm 2015) và năm 2016, Vĩnh Phúc dự kiến thu ngân sách đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.
Với chiến lược trú trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dich vụ, du lịch nhằm chuyển dịch một lượng lớn lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Từ đó tỉnh có điều kiện quan tâm, đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn.
Trước khi có chủ trương về xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TUvề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Cụ thể hóa Nghị quyết này, ngay trong năm 2007, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên của cả nước đã miễn thủy lợi phí cho 100% nông dân toàn tỉnh.
Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TUvề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; UBND tỉnh cụ thể hóa việc thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, quyết định.
Do đó, khi triển khai Chương trình xây dựng NTM đã được kế thừa kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhiều tiêu chí NTM của các xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn ở giai đoạn 2016-2010.
Công tác tuyên truyền, vận động là nội dung quan trọng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, trong đó Báo Vĩnh Phúc đã tích cực chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, mở chuyên mục "Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Nông nghiệp nông thôn"... trên ấn phẩm hàng ngày và ấn phẩm điện tử. Báo đã chủ đông phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh tổ chức xuất bản nhiều trang chuyên đề tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên ấn phẩm hàng ngày và các số báo chuyên đề trên ấn phẩm Vĩnh Phúc cuối tuần và Vĩnh Phúc chủ nhật.
Qua 05 năm xây dựng NTM, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện với nhiều nội dung phong phú qua các tác phẩm báo chí. Trong 05 năm qua, Báo Vĩnh Phúc đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về "Công cuộc xây dựng nông thôn mới" ngày càng sâu sắc hơn; huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị ngày càng cao.
Những cách làm hay, những điển hình tiên tiến, những bài học kinh nghiệm được phổ biến, nhân rộng bằng các tác phẩm báo chí đã góp phần giúp cho cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương, các ngành chức năng kịp thời điều chỉnh những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ, công tác tổ chức thực hiện Chương trình, tạo môi trường thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM là nội dung rất quan trọng được Ban Chỉ đạo tỉnh chọn làm khâu đột phá, thực hiện trước một bước, làm tiền đề cho lập đề án xây dựng NTM và các dự án đầu tư phát triển nông thôn. Bám sát nội dung này, Báo Vĩnh Phúc đã phân công các phóng viên theo dõi địa bàn ở các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, viết bài biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện sớm chủ trương này của tỉnh.
Bằng cách làm sáng tạo, công tác tuyên truyền trên báo được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đến tháng 12 năm 2011, 100% số xã trên địa bàn Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác quy hoạch và đến tháng 4 năm 2012 hoàn thành đề án xây dựng NTM. Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM, bảo đảm trình tự, thủ tục và nội dung yêu cầu theo hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương.
Trong quá trình tổ chức tuyên truyền việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch, Báo Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng tới quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, luôn bám sát nội dung thực hiện Đề án của tỉnh về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn giai đoạn 2015-2020" góp phần nâng cao thu nhập và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn trong mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp các ngành ở Vĩnh Phúc đã giải quyết và tạo việc làm cho hơn 111.200 lao động. Trong đó, việc làm trong Công nghiệp, xây dựng và làng nghề gần 45.000 người; Nông nghiệp hơn 27.800 người; Thương mại - dịch vụ 24.3000 người; đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hơn 4.200 người; giải quyết việc làm thông qua vay vốn quỹ quốc gia gần 7.500 lao động.
Góp phần giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp còn 37,2% và đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt 98,31% và 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Để tuyên truyền có hiệu quả việc giải quyết việc làm, trên ấn phẩm hàng ngày và điện tử của Báo Vĩnh Phúc đã mở chuyên mục "Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo".
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa ở Vĩnh Phúc được đầu tư, tăng cường. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và của tỉnh đã được tổ chức công phu, tạo được ấn tượng sâu sắc, không khí vui tươi phấn khởi, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân, qua đó góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Nội dung, hình thức hoạt động ngày càng phong phú, khơi dậy và phát huy vai trò làm chủ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Nhiều xã đã khôi phục các lễ hội truyền thống góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM"; phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa" phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh với số lượng và chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn ổn định và phát triển.Tổng số thôn đạt tiêu chuẩn "Thôn, làng văn hóa" 05 năm liên tục năm sau tăng hơn năm trước. Chỉ tính đến năm 2015, Vĩnh Phúc có 71,8 số thôn; 80,4% số xã đạt tiêu chí văn hóa.
Để thực hiện tốt việc tuyên truyền về tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, Báo Vĩnh Phúc đã và đang tuyên truyền trọng tâm vào mục tiêu dồn ruộng, đổi thửa, hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa cơ giới vào sản xuất. Vĩnh Phúc luôn lựa chọn và tạo thuận lợi đối với các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bám sát định hướng đó, Báo chú trọng tới việc tuyên truyền mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật cao, theo quy trình VietGap như: Trồng rau theo phương pháp thủy canh trong nhà kính của một số nhà đầu tư nước ngoài bằng công nghệ của Nhật Bản, Israel; trồng su su theo tiêu chuẩn VietGap... bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Các mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng dưa, bí, rau, thậm chí, nhiều vùng bán sơn địa nông dân Vĩnh Phúc trồng thành công các cây dược liệu quý được di thực từ nước ngoài với mục tiêu sạch, thu nhập cao trên diện tích canh tác.
Cùng với sự phát triển KT-XH của tỉnh, trong gần 5 năm qua, đối với ấn phẩm hàng ngày, Báo Vĩnh Phúc giữ nguyên khổ lớn, tăng từ 4 trang lên 8 trang. Trong đó có 1 trang kinh tế, 1 trang chuyên đề với diện tích thỏa đáng dành cho số lượng tin, bài, ảnh được tuyên truyền hàng ngày về xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Báo cũng đã lựa chọn những phóng viên có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp nổi trội hơn tham gia viết bài tuyên truyền về lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, Báo Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được truyền tải bằng nhiều thể tài báo chí hơn, tận dụng hiệu quả các tiện ích của Báo điện tử và các ấn phẩm: Vĩnh Phúc cuối tuần, Vĩnh phúc chủ nhật. Chúng tôi cũng mong muốn có sự trao đổi kinh nghiệm về công tác này với các báo bạn một cách bổ ích./.