Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình) đánh giá, công tác bảo vệ rừng trong lòng di sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn do rừng nằm xen kẽ với các khu dân cư. Trong khi cuộc sống của đa số những người dân sống ven chân núi vốn gắn chặt với rừng từ bao đời nay và sự hiểu biết về pháp luật, nhận thức về bảo vệ rừng, tuân thủ các quy định về bảo tồn di sản Thế giới cũng hạn chế.
Mặt khác, kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, hoạt động du lịch ngày càng phát triển, thu hút lượng khách lớn trong và ngoài nước đến thăm quan. Kéo theo đó là các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển mạnh như: Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ Homestay... Đã có những trường hợp cố tình lấn chiếm đất rừng để xây dựng công trình phục vụ khách du lịch, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ rừng, bảo vệ tính nguyên vẹn của Tràng An.
Bên cạnh đó, vào mùa khô hàng năm, công tác bảo vệ rừng phải đối mặt với nguy cơ chập điện, sét đánh dẫn đến cháy rừng do những diện tích tỉnh đã quy hoạch cho các mỏ khai thác rất gần rừng. Ngoài ra vấn đề săn bắn động vật rừng, săn bắn chim mùa di cư, khai thác cây cảnh... cũng đang đe dọa đến tính da dạng sinh học của rừng.
Xác định được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, thời gian qua tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai tốt các biện pháp bảo vệ rừng. Hạt kiểm lâm sở tại đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng như tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn.
Đặc biệt trong mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, Hạt kiểm lâm đã có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt tại những khu vực có chim cư trú và xử lý nghiêm các đối tượng săn bắt chim trái phép.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận tức về bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép vào các chương trình, hội nghị hoặc tuyên truyền trực quan. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, không đánh bắt, bẫy động vật hoang dã, chim hoang dã.
Đặc biệt nhằm khôi phục và bảo vệ tính đa dạng sinh học của rừng, cuối tháng 8/2020 vừa qua, các đơn vị, tổ chức liên quan đã phối hợp với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tổ chức tái thả 3 cá thể Voọc mông trắng về lại tự nhiên tại Đảo Ngọc - thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học những năm 90 trước thế kỷ XX, tại Quần thể Danh thắng Tràng An từng xuất hiện Vọoc Mông trắng.
Ba cá thể Voọc mông trắng được thả tại Tràng An là những cá thể đã được Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp chăm sóc, nuôi dưỡng theo Dự án "Bảo tồn các loài linh trưởng Việt Nam" do Vườn thú Leipzig (Cộng hòa liên bang Đức) tài trợ.
Dự kiến trong thời gian tới Dự án tiếp tục được các cơ quan, tổ chức thực hiện, góp phần bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học vốn có tại Tràng An, từng bước khôi phục, bảo tồn phát huy giá trị Di sản nói chung và loài Linh trưởng quý hiếm Vọoc mông trắng nói riêng trong tự nhiên.
Có thể thấy sự cố gắng và nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm và doanh nghiệp tham gia quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An - di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Qua đó, đã thu hút thêm nhiều khách du lịch đến thăm quan, đưa du lịch ngày càng phát triển bền vững, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hồng Giang - Trường Giang