Biến đổi khí hậu đã hiện hữu những biểu hiện trong toàn cầu: Hạn hán, nắng nóng, nước biển dâng, bão gió... đang thách thức nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, chống biến đổi khí hậu là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Một trong những giải pháp cho vấn đề nêu trên chính là bảo vệ và phát triển diện tích rừng. Nói đến rừng, hẳn ai cũng liên tưởng đến một "lá phổi" khổng lồ, giúp loại bỏ những chất độc, ô nhiễm trong không khí, điều hòa khí hậu. Do tính chất đặc thù tại vùng bãi bồi ven biển, rừng ngập mặn còn góp phần làm đa dạng sinh thái, tạo ra môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài thủy hải sản.
Thêm vào đó, với tính chất là rừng phòng hộ ven biển, không thể bỏ qua ý nghĩa như một tấm lá chắn phòng thủ cho đất liền khỏi sự "tấn công" của bão lũ, triều cường và sạt lở đất.
Đi dọc theo đê Bình Minh 3, chúng tôi bị choáng ngợp bởi những cánh rừng um tùm, xanh mướt chạy dài hơn 7 km do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trồng.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Từ năm 1997, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai dự án "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, trên địa phận xã Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải.
Năm 2014, Ban quản lý dự án đã tổ chức trồng dặm được 24,6 ha. Năm 2015 đã trồng mới hơn 20 ha. Tính đến thời điểm này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trồng và hiện đang quản lý khoảng 250 ha diện tích rừng trang, rừng bần, sú, vẹt.
Ông Đỗ Văn Quang, xóm 3, xã Kim Hải còn nhớ như in những ngày chưa có "tấm lá chắn xanh", những con bão từ biển đổ bộ vào bờ, tiếng gió "gào thét" trong những cơn mưa như trút nước. Cây cối trong vườn đổ rạp, siêu vẹo. Vụ ấy coi như mất trắng đối với những người dân làm nông nghiệp nơi đây.
Nhưng hiện tại, đó chỉ còn là ký ức. Với độ cao trung bình từ 3-5m, rừng ngập mặn che chắn cho đất liền, giảm thiểu cường độ gió bão, hiện tại người dân nơi đây đã an tâm sinh sống và sản xuất.
Lợi ích của rừng ngập mặn chưa dừng lại ở đó. Từ việc góp phần cải tạo môi trường, đa dạng sinh thái, rừng ngập mặn đã góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân. Sinh vật biển trong rừng ngập mặn ngày càng phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài và số lượng cá thể. Từ đó đã giúp các hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ phát triển.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một ngư dân tại xóm 7B, xã Cồn Thoi cho biết: Có những ngày thuận lợi, thu nhập của anh em có thể đạt tới 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi ong lấy mật, cung cấp nguồn hàng chất lượng cho thị trường, đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Lợi ích mà rừng ngập mặn đem đến là vô cùng lớn. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn mang ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương thông qua các chuyên mục tuyên truyền trên loa phát thanh cấp xã, đội bảo vệ rừng ngập mặn là nhân tố quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Quý, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Đội đã hoạt động rất lâu, đến năm 2011, sau khi kiện toàn, đội có 3 thành viên thường trực, thực hiện công tác đảm bảo an ninh cho diện tích rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ. Các thành viên được phân chia khu vực theo dõi, trực tiếp quản lý, giải quyết các vấn đề xảy ra trong khu vực đó.
Hàng tuần, các thành viên tự bố trí thời gian để đi khảo sát thực tế, nắm tình hình. Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, dọc trên đê Bình Minh 3 có bố trí 4 bảng thông tin, có ghi rõ lợi ích của rừng, đồng thời công bố số điện thoại của từng thành viên Đội bảo vệ, nếu phát hiện những cá nhân, tập thể gây hại đến rừng ngập mặn sẽ trực tiếp liên hệ.
Ông Quý cho biết: Nhiều năm trước, tình trạng phá hoại rừng đã từng diễn ra. Song qua công tác tuyên truyền, ý thức của người dân đã được nâng lên, thời gian gần đây đã không còn xảy ra. Cũng có một vài trường hợp, tàu thuyền mắc cạn vào khu vực trồng rừng đã liên lạc với Đội bảo vệ phối hợp ứng cứu.
Hiện nay, Đội tập trung bảo vệ môi trường rừng ngập mặn, không để tình trạng xả rác bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường, gây hại đến rừng.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết thêm: Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, Hội phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa hướng đến các học sinh tiểu học. Xác định gìn giữ, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng lâu dài.
Bài, ảnh: Thái Học