Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực gây ô nhiễm môi trường nói chung và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn tài nguyên nước nói riêng. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm không chỉ ở nguồn nước mặt - sông, hồ, mà còn cả từ nguồn nước ngầm, kể cả từ nước mưa.
Đối với nguồn nước mặt, ảnh hưởng rõ nhất là ô nhiễm từ nguồn nước thải. Trên địa bàn tỉnh ta có hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp có hoạt động xả thải. Bên cạnh đa số các doanh nghiệp nằm trong các Khu công nghiệp thường xuyên chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chuyên môn và ý thức tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường nên nhìn chung lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã được xử lý, tuy nhiên vẫn còn có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa được thường xuyên giám sát, những cơ sở công nghiệp vì lợi nhuận mà xem nhẹ việc xử lý nước thải, những làng nghề thủ công... hàng ngày vẫn xả ra môi trường một lượng không nhỏ nước thải chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý tốt, chưa kể hầu hết nước sinh hoạt ở các đô thị vẫn chưa được thu gom, xử lý mà trực tiếp xả ra môi trường. Đối với nguồn nước ngầm, tình trạng khai thác tự do, không tiết kiệm đã làm nguồn nước đang dần bị cạn kiệt, song đáng ngại hơn là việc khoan khai thác không được thăm dò, tính toán khoa học đã dẫn đến tình trạng phá vỡ các tầng nước ngầm, làm thấm lượng lớn nước thải ô nhiễm vào các tầng nước ngầm... Bên cạnh đó, việc các cơ sở sản xuất công nghiệp, các phương tiện giao thông xả khí thải vào khí quyển cũng gây ô nhiễm các đám mây làm cho nước mưa bị nhiễm bẩn. Việc biến đổi khí hậu với các hiện tượng Elnino, tình trạng xây dựng nhiều đập thủy điện trên các sông ở thượng nguồn cũng làm cho nước ở vùng hạ lưu bị giảm mạnh, tạo điều kiện cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt... Để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ, huy động được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các lực lượng trong xã hội. Trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước trong đời sống xã hội, từ đó có ý thức bảo vệ nguồn nước trước những tác động của con người. Các cơ sở sản xuất công nghiệp cần tuân thủ các quy định về xử lý chất thải, nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường, một cách thường xuyên, tự giác. Các làng nghề chế biến thực phẩm, các trang trại chăn nuôi lớn cần có khu thu gom, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến khai thác nước ngầm cần tuân thủ các quy định về thăm dò, kế hoạch khai thác, xử lý lấp bịt các giếng khoan khi không còn sử dụng... để tránh làm sập các tầng nước, tránh làm tràn nước thải độc hại vào các tầng nước ngầm. Cần có kế hoạch trồng cây phủ xanh đồi núi, rừng đầu nguồn nhằm tăng độ che phủ, vừa giữ cho nước không bị trôi tuột, vừa tránh nước bốc hơi nhanh. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ bằng hóa chất để tránh tình trạng hóa chất độc hại từ nông nghiệp tràn ra sông hồ và ngấm sâu vào lòng đất... Bên cạnh các giải pháp có tính cộng đồng như trên, còn đòi hỏi mỗi người dân nâng cao ý thức bảo vệ sự trong sạch của nguồn nước từ việc không xả rác thải ra môi trường một cách tùy tiện, nhất là vứt rác xuống sông hồ, ao, ngòi... và có ý thức tiết kiệm trong sử dụng nước sạch.
Đỗ Bằng