Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh, các cấp, các ngành đã làm gì để BVMT?
Đồng chí Quách Mai Hồng: Xác định BVMT là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình, giải pháp BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Trước tiên, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về BVMT cho nhân dân và các tổ chức. Chính vì thế mà ý thức, trách nhiệm chấp hành Luật BVMT của các tổ chức và cá nhân được nâng cao, đã và đang tạo được phong trào toàn dân tham gia BVMT thông qua các đợt phát động tuyên truyền cao điểm nhân dịp Tuần lễ Quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường từ ngày 29-4 đến 6-5, ngày Môi trường thế giới 5-6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, ngày Đất ngập nước thế giới. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp BVMT với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tập trung khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số khu vực và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ như: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố thông qua việc thực hiện hoàn chỉnh đề án tổng thể BVMT của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình; xóa bỏ tất cả lò nung vôi, lò gạch trên địa bàn thành phố; di dời các cơ sở đúc thép gây ô nhiễm môi trường ra ngoài địa bàn thành phố; kiên cố hóa hệ thống thoát nước. Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các lò gạch thủ công và các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Xóa bỏ trên 89% lò gạch thủ công, phấn đấu đến năm 2010 sẽ xóa bỏ hoàn toàn. Đình chỉ sản xuất đối với 3/5 dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng do không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường như: Nhà máy Xi măng Ninh Khánh, Công ty cổ phần Xi măng Thiên Sơn và cơ sở sản xuất xi măng Cầu Yên H42. Xử lý ô nhiễm môi trường tại các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng, cấm sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế để xử lý cơ bản chất thải phát sinh ở hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Rác thải sinh hoạt đô thị đã được thu gom và xử lý cơ bản triệt để, đạt trên 90% lượng rác thải phát sinh, không còn tình trạng tồn đọng rác thải đô thị gây ô nhiễm môi trường.
Công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện thường xuyên và kiên quyết. Công tác quan trắc môi trường các khu vực nhạy cảm, nguy cơ sự cố môi trường đã được triển khai thực hiện như: Quan trắc chất lượng nước sông Đáy, nước các sông chính trên địa bàn tỉnh, nước ven bờ biển Kim Sơn; quan trắc chất lượng môi trường không khí các điểm nút giao thông quan trọng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, khi du lịch sinh thái của tỉnh. Qua đó cập nhật được diễn biến chất lượng môi trường hàng năm để có biện pháp quản lý và xử lý kịp thời, thích hợp. Từng bước áp dụng có hiệu quả công tác quản lý môi trường thông qua việc thu phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT trong khai thác khoáng sản, phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từng bước kiện toàn và nâng cao năng lực cơ quan chuyên môn về BVMT từ tỉnh đến cơ sở. ở cấp tỉnh đã thành lập và kiện toàn tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thành lập Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường, cấp huyện đã từng bước tuyển dụng công chức làm công tác quản lý môi trường.
P.V: Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh sẽ kéo theo những tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường như thế nào?
Đồng chí Quách Mai Hồng: Mặc dù đã có nhiều cố gắng và giải pháp phòng ngừa ô nhiễm tích cực, hiệu quả, tuy nhiên cùng với quá trình sản xuất và phát triển xã hội thì sẽ xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường mà chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá đúng mức để có giải pháp phù hợp, kịp thời như: Nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí gia tăng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng nói riêng và sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và trong hoạt động giao thông vận tải. Ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Đáy do nước thải từ đầu nguồn (Hà Nội, Hà Nam) đổ về và của Ninh Bình thải ra nguy cơ làm suy thoái môi trường sinh thái, nhất là cửa sông, bãi bồi ven biển Kim Sơn. Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp do sử dụng chưa hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung xen kẽ trong các khu dân cư; rác thải sinh hoạt ở các huyện, xã chưa được xử lý hợp vệ sinh.
P.V: Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Quách Mai Hồng: Năng lực quan trắc, phân tích môi trường còn hạn chế, chưa đủ trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn. Đầu tư cho BVMT chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền cơ sở ở một số nơi về BVMT còn hạn chế, tình trạng né tránh trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý về môi trường vẫn còn. Quy hoạch và hệ thống thu gom, xử lý rác thải cấp huyện chưa thực hiện được; việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải nguy hại gặp khó khăn. Cán bộ làm công tác BVMT cấp huyện còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và thực tiễn.
P.V: Vậy những giải pháp bảo vệ môi trường trong thời gian tới là gì ?
Đồng chí Quách Mai Hồng: Để tổ chức thực hiện tốt công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác điều tra cơ bản môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến môi trường để từ đó đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời, trong đó chú trọng điều tra môi trường lưu vực sông Đáy, khu vực bãi bồi ven biển Kim Sơn, môi trường trong khai thác khoáng sản. Xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung, trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, thành phố Ninh Bình; cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung. Tập trung xây dựng quy hoạch các bãi chôn lấp rác trên quy mô toàn tỉnh; quy hoạch, xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện, xã; xử lý chất thải làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy chế biến rác công suất 200 tấn/ngày tại thị xã Tam Điệp. Tăng cường công tác bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, rừng đặc dụng Hoa Lư, Vườn Quốc gia Cúc Phương nhằm bảo tồn và phát triển nguồn đa dạng sinh học quý hiếm tại các khu vực này. Tăng cường năng lực cán bộ công tác quản lý môi trường ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), đặc biệt là ở cấp huyện. Thống nhất quy trình xây dựng kế hoạch và quản lý nguồn vốn sự nghiệp môi trường để tăng cường hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (Thực hiện)