Cũng như một số nghề thủ công truyền thống của tỉnh, nghề chế tác đá Ninh Vân đã trải qua nhiều thăng trầm và có nguy cơ bị mai một do không đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Để bảo tồn và phát triển, làng nghề chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân được tỉnh quan tâm, hỗ trợ phát triển theo hướng tiểu thủ công nghiệp và quy hoạch xây dựng là một trong những làng nghề chủ lực của tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề Ninh Vân cho biết: Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Cụm công nghiệp làng nghề Ninh Vân được quy hoạch và xây dựng trên diện tích hơn 30 ha. Hiện thu hút trên 70 doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất tập trung.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất đơn lẻ được hỗ trợ vay vốn, đổi mới công nghệ để thay thế lao động trực tiếp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với việc được trang bị máy móc hiện đại, mẫu mã được vẽ, thiết kế trên máy tính, sản phẩm chạm khắc đá mỹ nghệ làng nghề Ninh Vân ngày càng phát triển, đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đến nay, Ninh Vân có 12/13 thôn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, 74 doanh nghiệp tư nhân và 1.025 hộ chuyên chế tác đá mỹ nghệ. Làng nghề có 30 thợ thủ công mỹ nghệ giỏi được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Hoạt động làng nghề phát triển mạnh mang lại đời sống ấm no cho người lao động làm nghề, doanh thu từ nghề đá mỹ nghệ chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất của xã.
Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian qua, Ninh Bình có nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển làng nghề. Bên cạnh việc quan tâm tổ chức gian trưng bày sản phẩm của các làng nghề tại các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và nước ngoài; tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật trong làng nghề, hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất...
Nhờ đó, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường như các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, chế biến cói, gốm sành sứ, sản xuất bún bánh, trồng đào phai... Một số làng nghề gần các điểm du lịch có tiềm năng phát triển sản xuất gắn với hình thức du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, tạo ra lợi thế riêng trong việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Toàn tỉnh đã có 2 sản phẩm của làng nghề được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao: sản phẩm Gốm Bồ Bát (Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát), sản phẩm thêu ren truyền thống (Công ty TNHH Thêu Minh Trang). Các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho 26.732 người dân địa phươngvới thu nhập bình quân của các hộ tham gia làng nghề đạt 36,4 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, tuy có sự phát triển đa dạng, phong phú về số lượng, nhưng các làng nghề vẫn đang gặp khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối, mang tính thủ công là chính, chưa chú trọng đầu tư máy móc thiết bị, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định.
Bên cạnh đó, hệ thống mẫu mã sản phẩm và bao bì ít đổi mới, các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp chưa nhiều, giá trị xuất khẩu thấp và chịu nhiều sức ép, cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Nguồn nhân lực cũng đang là một bài toán khó đối với các làng nghề vì đa phần người lao động chọn làm công nhân ở các doanh nghiệp có nguồn thu nhập ổn định; đội ngũ cán bộ, quản lý ngành nghề, làng nghề nông thôn ở cấp huyện còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về chất lượng; chưa có đội ngũ cán bộ theo dõi ngành nghề, làng nghề ở cấp xã.
Để đẩy mạnh làng nghề phát triển, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy hoạch, chính sách phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc hướng dẫn các địa phương có làng nghề thành lập các mô hình quản lý làng nghề phù hợp với quy mô phát triển như các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp, các Ban quản lý, Tổ tự quản..., từng bước giúp làng nghề thoát khỏi tình trạng phát triển tự phát như hiện nay. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia các cuộc thi thiết kế, bình chọn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu ở các cấp.
Đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh, khoa học công nghệ và các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề. Tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bài ảnh: Hồng Giang