Sơn La là tỉnh miền núi biên giới khó khăn, dân số hơn 1 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em chung sống. Toàn tỉnh có 12 huyện, thành phố (trong đó có 5 huyện nghèo được hưởng chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ). Toàn tỉnh có 204 xã, phường, thị trấn, trên 3.000 bản, nhưng có gần 35% số bản thuộc diện bản đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn trên 21%.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, HTX kiểu mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Báo Sơn La đã xác định rõ nhiệm vụ của báo chí trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung tuyên truyền về vai trò của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc vào cuộc cùng người dân, tham gia vận động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở.
Ban Biên tập Báo Sơn La đã giao nhiệm vụ cho phòng Phóng viên Kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối Xây dựng nông thôn mới của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng; tham mưu cho Ban Biên tập Báo Sơn La, Ban giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong việc định hướng tuyên truyền.
Cụ thể, cùng với đăng tải chủ trương, chính sách, nêu những khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ, Báo Sơn La giành thời lượng thích hợp tuyên truyền về những địa phương, tập thể, cơ sở, cộng đồng và cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách làm, thực sự là mô hình để nhân rộng.
Các tác phẩm gồm phóng sự, ghi chép, bài phản ánh và ảnh trên báo Sơn La thường kỳ, tờ Tin ảnh Sơn La; phóng sự, phản ánh trên báo Sơn La điện tử đã tập trung tuyên truyền về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo quan điểm sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; tích cực tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, chú trọng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ, nhằm giảm mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh. Đồng thời, tuyên truyền về việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ lực phục vụ công nghiệp chế biến mang tính bền vững, như cà phê, mía đường, sắn.
Song song với đó là việc tuyên truyền về phát huy lợi thế, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, chú trọng cải tạo giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, trọng tâm là đưa cây ăn quả chất lượng cao, như xoài ghép, nhãn ghép… thay thế những diện tích cây trồng trên nương kém hiệu quả; tuyên truyền về các HTX sản xuất rau sạch theo quy trình VietGAP.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài các tác phẩm tuyên truyền thường xuyên, hàng tháng Báo Sơn La giành thời lượng 2 trang chuyên mục đăng tải chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới; giới thiệu những địa phương, cơ sở có nhiều cách làm hay, sáng tạo và những hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Các chủ trương, chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đã được Báo Sơn La đăng tải kịp thời. Trong đó có những chính sách thực sự đi vào cuộc sống, như các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn; hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch, điện lưới quốc gia, nhà văn hóa xã, bản…
Điểm nổi bật, trong hơn 5 năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện bê tông hóa gần 1.000 tuyến đường liên xã, liên bản, nội bản với tổng chiều dài gần 500 km, kinh phí thực hiện 500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 160 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp bằng tiền, vật liệu và hàng vạn ngày công lao động.
Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, tỉnh Sơn La có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 99 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và 61 xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 21%, dự kiến đến hết năm 2016, tỉnh Sơn La có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, lao động qua đào tạo có tay nghề còn chiếm tỷ lệ thấp.
Do đó, vai trò của báo chí Sơn La nói chung và Báo Sơn La nói riêng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn là hết sức quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, Báo Sơn La xác định nhiệm vụ cụ thể là tăng cường tuyên truyền về quan điểm, nội dung Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Trong đó, tập trung tuyên truyền về công tác quy hoạch, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là phát triển kinh tế tập thể, HTX, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tham gia của người dân, sự đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phong trào "chung tay xây dựng nông thôn mới" ở tỉnh Sơn La đã thực sự đi vào cuộc sống.
Điều đó khẳng định chủ trương, chính sách về công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước đã thực sự phát huy hiệu quả, không những huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh Sơn La.
Nhiệm vụ trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, trách nhiệm của những người làm báo chúng ta phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống./.