Nhà ông Nguyễn Văn Thụy, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) năm nào trước Tết cũng làm 1 con lợn, với khoảng 50-60kg. Gia đình ông đông con cháu, có đến 4 gia đình người con sinh sống gần nhau, cuối năm thường ăn Tết chung cùng ông bà. Tuy nhiên, năm nay, được người quen giới thiệu, gia đình ông Thụy bắt con lợn to, nặng đến hơn 1 tạ, trị giá gần chục triệu đồng. Con lợn quá to, thành ra khi hết Tết, thịt, xương, giò nạc, giò mỡ các loại, thịt đông, thịt kho... còn ê hề.
Cùng với đó, trong tủ lạnh còn chất thêm các hộp, gói như cá, tôm, nem chua, các loại thực phẩm khô, muối... mà các con ông được biếu, cho hoặc mua thêm để Tết đầy đủ, đa dạng, khiến tủ lạnh tương đối lớn mà lúc nào cũng chật cứng thực phẩm, mùi thực phẩm nọ lẫn mùi kia không còn đâu sự thơm ngon...
Gia đình chị Phương Thúy, phương Tân Thành chỉ có 4 người, 2 con còn nhỏ nhưng chị vẫn mua sắm khá nhiều thực phẩm trước Tết và chất trong tủ lạnh với suy nghĩ để chủ động khi có khách, rồi có thể ăn sau Tết khỏi phải mua. Chị mua sẵn từ trước Tết 1 nồi cá kho, 1 kg giò nạc, giò xào, rồi chả, mọc, rau củ, hành muối các loại... Từ chiều 30 Tết đến hết ngày mùng 3 Tết, gia đình chị về ăn Tết tại quê nội và ngoại ở huyện Yên Khánh và Kim Sơn. Lúc lên, bên nội, bên ngoại lại gói ghém cho thêm khá nhiều thực phẩm, từ thịt, cá, trứng, bánh trưng đến rau xanh, hoa quả... khiến tủ lạnh nhà chị không còn chỗ để chứa.
"Thực sự, nếu không mua sắm Tết thì không yên tâm, nhưng rồi tôi thấy sai lầm vì quá lãng phí. Niêu cá trắm kho có giá tiền triệu, sau mấy ngày Tết bảo quản ở ngăn mát không hiểu sao mốc trắng, tiếc lắm mà tôi không dám ăn phải bỏ đi. Rồi các loại giò, chả, mọc, bánh trưng đều khô lại, có loại bắt đầu có vị chua, nhớt, ăn thì không kịp, mà bỏ thì tiếc... Mà hầu hết các loại thực phẩm bảo quản lâu trong tủ lạnh thường giảm đi vị tươi ngon sẵn có. Tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những Tết năm sau, chỉ mua những thực phẩm cần thiết và đủ dùng..."- chị Phương Thúy khẳng định.
Có thể nói, tình trạng thừa mứa thức ăn ngày Tết là thực trạng diễn ra ở nhiều gia đình từ năm này sang năm khác. Hầu hết chị em có tâm lý sợ ít, sợ thiếu thực phẩm ngày Tết, nên ra sức tích trữ đồ ăn mà nhiều khi không quan tâm, không tính đến nhu cầu thực sự của bản thân các thành viên trong gia đình. Nhiều người còn có tâm lý tích trữ đồ ăn để những ngày sau Tết không phải đi chợ, không tiêu đến tiền vào đầu năm mới sẽ là may mắn...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng, thực tế, sau những ngày Tết, gia đình nào cũng còn một lượng lớn thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh. Việc bảo quản thực phẩm như thế nào để đúng cách, đảm bảo được dinh dưỡng, không có nguy cơ nhiễm khuẩn và không gây ngộ độc thực phẩm là vấn đề cần được mỗi người quan tâm để thực hiện tốt, đúng quy trình bảo quản thực phẩm, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, cần cân nhắc giữ lại hoặc loại bỏ đối với các loại thức ăn có nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm chế biến sẵn và chế biến nhiều lần thì cần loại bỏ. Hơn nữa, việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nói chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông, rã đông đều giảm 20%, do đó cần hạn chế tích trữ các loại thực phẩm lâu dài.
Đối với các loại thức ăn khác nhau, chín, sống cần để riêng, bọc kỹ bằng những loại hộp, túi nilon an toàn, tự nhiên để không ảnh hưởng đến thực phẩm. Hơn nữa, khi lấy thức ăn trong tủ lạnh, nhiều người có thói quen chỉ hâm nóng lại. Đây là nguyên nhân khiến người ăn bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa từ thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh. Bởi việc hâm nóng thức ăn khó đảm bảo đủ nhiệt độ có thể tiêu diệt vi trùng nếu không sử dụng nhiệt độ phù hợp với từng loại thức ăn. Vì vậy, đồ ăn chín trong tủ lạnh khi lấy ra cần phải nấu lại thật sôi để diệt hết vi khuẩn. Đối với các loại thực phẩm không thể nấu sôi như giò mỡ, thịt đông, cần bảo quản kỹ càng bằng hộp kín, tránh vi khuẩn xâm nhập.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Hường, một số món ăn thông dụng ngày Tết cần bảo quản như sau: Bánh chưng, bánh tét có thể cất vào ngăn mát hoặc bỏ vào ngăn đá bảo quản; Các loại thức ăn như thịt kho, thịt luộc, giò chả..., sau khi dùng còn thừa nên cất vào ngăn mát để bữa ăn tiếp theo có thể đun kỹ lại. Nếu lưu trữ trên 3 ngày thì nên cho vào ngăn đá để đông. Đối với các loại dưa, hành, món muối, trộn.. có thể để bên ngoài, nhưng nếu muốn lâu chua, giảm lên men thì để vào ngăn mát tủ lạnh, có thể giữ được từ 1 tuần đến 10 ngày vẫn đảm bảo an toàn...
Cùng với đó cần lưu ý, tủ lạnh được sử dụng để lưu trữ thực phẩm nên cũng là nơi tích tụ lượng vi khuẩn khá cao. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh, lau chùi tủ lạnh, tạo môi trường thông thoáng không cho vi khuẩn tích tụ gây hư hỏng thực phẩm, tác động xấu đến sức khỏe. Không mở cửa tủ lạnh khi không cần thiết vì sẽ làm các vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm bên trong tủ. Đồng thời, sau khi vệ sinh, có thể dùng giấm chua hoặc nước cốt chanh để khử mùi hôi, hạn chế các mùi thực phẩm trong tủ lạnh...
Bài, ảnh: Hạnh Chi