Với vị trí địa lý mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây - Đông - Bắc nên Phú Thọ là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc. Hiện tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính gồm Thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ và các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập. Trong đó Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên khoáng sản, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến: Chè, giấy, chế biến nông - lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt, may.
Triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII đề ra trong điều kiện những thuận lợi và thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực cố gắng, vượt khó của các doanh nghiệp và nhân dân, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện; xây dựng nông thôn mới tích cực được triển khai. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng đưa vào sản xuất; công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được đảm bảo; từ đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tuy nhiên, hiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ còn yếu. Trên địa bàn tỉnh cũng có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, do đó sản xuất nông nghiệp của Phú Thọ đang trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, chưa có thương hiệu, khó kiểm soát dịch bệnh, rủi ro.
Đi kèm với đó là nội lực nền kinh tế của tỉnh cũng như của người dân còn hạn chế; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ và nhận thức của người dân không đồng đều; sản xuất hàng hóa chưa phát triển, năng lực cạnh tranh thấp...
Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông nghiệp nông thôn mới và chủ động trong hội nhập, hiện ngành Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ đang tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết sản xuất; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất.
Đồng hành với đó ngành cũng đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh việc chuyển đổi tư duy về phương thức sản xuất nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa bền vững theo chuỗi liên kết, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực có tiềm năng và khả năng cạnh tranh, như lúa chất lượng cao, chè, nguyên liệu giấy, rau quả sạch, chăn nuôi bò, trâu, lợn, gia cầm, thủy sản.
Tiếp tục đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình kinh tế, chú trọng kinh tế doanh nghiệp trong nông nghiệp, HTX, trang trại. Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản. Quan tâm và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh và các vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện, thành, thị, cố gắng đi tắt, đón đầu, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào khoa học công nghệ nước ngoài.
Đổi mới mạnh mẽ và phát huy hiệu quả công tác khuyến nông ở tất cả các cấp để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến; ưu tiên các vùng sản xuất tập trung, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, giá thấp, khả năng cạnh tranh cao. Chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất trọng điểm, nhất là vùng sản xuất hàng hóa chủ lực và vùng khó khăn; phát triển giao thông nội đồng, thủy lợi vùng đồi, nông nghiệp công nghệ cao...
Tập trung chỉ đạo dồn đổi, tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với chế biến sâu và tích cực giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản.Chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để có được những kết quả trên, cũng như xác định được mục tiêu của ngành Nông nghiệp và PTNT phải nói đến sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện công tác tuyên truyền.Những năm qua, báo chí của tỉnh Phú Thọ nói chung và Báo Phú Thọ nói riêng đã luôn nỗ lực trong công tác quản lý, chỉ đạo, bám sát định hướng tuyên truyền và không ngừng đổi mới toàn diện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, chất lượng của mỗi ấn phẩm báo chí.
Các ấn phẩm đảm bảo tuyên truyền đúng định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, tin tức thời sự được phản ánh, cập nhật kịp thời, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Với vai trò của mình, Báo Phú Thọ đã tập trung tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Kịp thời tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; kịp thời cập nhật, chuyển tải những thông tin về tiến độ thực hiện quy hoạch, đề án phát triển sản xuất, gương điển hình tiên tiến, hiến đất, kinh nghiệm huy động các nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi...
Tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong đổi mới tư duy chuyển đổi sản xuất sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên kết theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Báo Phú Thọ cũng đã và đang đóng góp tích cực trong việc truyền tải những chủ trương, chính sách, đường lối về phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến người dân, đồng thời phản ánh những thông tin đa chiều của xã hội đến với cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ đó giúp những người làm công tác quản lý Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Báo Phú Thọ cũng là kênh thông tin để truyền tải những kinh nghiệm quý trong và ngoài nước đến với độc giả, giúp cho những người làm chuyên môn có cách nhìn rộng hơn, phong phú hơn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ban Biên tập phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng chuyên mục "Nông nghiệp Phú Thọ" 1 kỳ/tuần, mở chuyên mục "Nông thôn mới" trên Báo Phú Thọ điện tử. Hàng năm phối kết hợp với các ngành liên quan tổ chức các cuộc thi viết trên Báo Phú Thọ với nhiều đề tài phong phú, như cuộc thi viết về: "Nông nghiệp và PTNT trên quê hương đất Tổ", "Xây dựng NTM", "Xây dựng HTX kiểu mới", "Gương nông dân làm kinh tế giỏi"...
Thông qua các cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng các nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và các hộ nông dân về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; biểu dương nhân tố mới, ý tưởng sáng tạo và điển hình tiên tiến trong những tập thể, đơn vị và cá nhân tiêu biểu phát huy nội lực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời phê phán những mặt tiêu cực, những tư tưởng trông chờ ỷ lại, kém hiệu quả trong xây dựng NTM. Tuyên truyền, biểu dương vai trò, tầm quan trọng và những thành quả của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Tuyên truyền, biểu dương các mô hình kinh tế, các điển hình về phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn gắn với việc quy hoạch xây dựng công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng; thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo; các công trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tuyên truyền biểu dương kịp thời nhiều cách làm sáng tạo, huy động lồng ghép các nguồn lực kết hợp với sự đóng góp của người dân để xây dựng nông thôn mới; chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi; nêu bật những tấm gương của tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến ứng dụng khoa học- kĩ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế; xây dựng các mô hình và điển hình tiên tiến về áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Tuyên truyền, biểu dương việc phát triển văn hóa gắn liền với phát triển nông thôn, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa và môi trường xã hội nông thôn lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp; bảo vệ môi trường sinh thái theo định hướng xây dựng nông thôn mới.
Nhiều bài viết được đăng tải trên báo tuyên truyền về các nội dung như phát huy vai trò của Đảng, của các tổ chức đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tái cấu trúc nông nghiệp, xây dựng NTM, huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn minh nông thôn, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, dồn đổi ruộng đất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... đã giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; giúp người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình từ đó tích cực và tự giác tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đồng thời xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Nhiều lĩnh vực khó khăn, trở ngại, Báo chí đã tuyên truyền, giải thích rõ các chủ trương, chỉ đạo của Nhà nước, của tỉnh giúp người dân hiểu rõ và đồng tình hưởng ứng, từ đó giúp cho việc thực hiện thuận lợi hơn. Báo chí góp phần nêu gương người tốt việc tốt giúp người dân noi theo; đồng thời phản ánh những việc làm sai, những điều cần tránh để người dân có ý thức tốt hơn.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương điển hình, các nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo về thực hiện "Tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM" trên địa bàn tỉnh, dưới những góc nhìn của những người làm báo, nhiều bài viết cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề nóng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM không chỉ tác động trực tiếp tới người dân sinh sống trên địa bàn, mà còn chỉ ra những bất cập, hạn chế để các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng có biện pháp điều chỉnh phù hợp, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình đề ra.
Có thể nói, trong nhiều năm qua, Báo Phú Thọ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương, các ngành ghi nhận và đánh giá cao trong việc chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống xã hội, là một công cụ quan trọng giúp lãnh đạo tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, Báo Phú Thọ góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, giúp Ngành đạt được những kết quả nhất định.