Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước; gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Điều đó cho thấy, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng, trong giai đoạn 2016-2020. Do vậy, tổ chức hội thảo về tuyên truyền đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau của cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố phía bắc hôm nay là một việc làm trách nhiệm, có tác dụng thiết thực.
Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới, gió mùa, đất đai tương đối màu mỡ do phù sa bồi lắng. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh chiếm tới 46,5% diện tích đất tự nhiên. Dân số làm nông nghiệp hiện chiếm khoảng gần 50% lực lượng lao động.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ sau ngày tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình đã không ngừng vươn lên, có bước phát triển tiến bộ vượt bậc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Từ một nền sản xuất nông nghiệp mang nặng tính tự cung, tự cấp, đến nay sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình đã đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Diện tích trồng lúa hai vụ luôn duy trì được gần 80.000 ha/năm. Năng suất và sản lượng lương thực hàng năm đều tăng. Từ năm 1999 đến nay, năng suất lúa cả năm đạt trên 10 tấn/ha, riêng năm 2011 đạt kỷ lục 12,07 tấn/ha. Sản lượng lương thực có hạt 5 năm 2011-2015 đạt 50,7 vạn tấn/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX đề ra. Sản xuất vụ đông được quan tâm với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra cánh đồng cho thu hoạch 96,5 triệu đồng/ha/năm.
Đi đôi với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, ở Ninh Bình đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, quy mô, số lượng đàn lớn. Sản xuất nuôi trồng thủy, hải sản cũng có nhiều khởi sắc, nhất là việc khai thác và đưa vào nuôi trồng nhiều loại thủy sản ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn như: tôm sú, cua xanh, ngao…có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Nông nghiệp Ninh Bình ngày càng khẳng định được vị thế của mình là đảm bảo được an ninh lương thực và đóng góp 12% trong tỷ trọng GDP của tỉnh, tạo ra nhiều nguyên liệu xuất khẩu và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, báo Ninh Bình tập trung tuyên truyền về kết quả và các bài học kinh nghiệm. Qua hơn 5 năm triển khai xây dựng, diện mạo nông thôn của tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng văn minh, hiện đại.
Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được nâng cấp. Các công trình thủy lợi, điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, chợ… được quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân. Nông thôn một số nơi bắt đầu khởi sắc rõ nét, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ổn định và phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.
Đến nay, đã có 43 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, chiếm 36% số xã trên địa bàn tỉnh. Ninh Bình được xếp trong tốp đầu toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, Ninh Bình phấn đấu có 96 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, Ninh Bình đang đón đoàn kiểm tra của Trung ương về kiểm tra để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hoa Lư là huyện nông thôn mới.
Tuy vậy, thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận, những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp Ninh Bình những năm qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Hiệu quả kinh tế và năng suất lao động nông nghiệp so với các ngành kinh tế khác chưa cao. Nông sản tăng nhanh về số lượng nhưng phần lớn tiêu thụ dưới dạng thô, mức độ chế biến chưa sâu, hàm lượng công nghệ thấp nên giá trị thương mại không cao.
Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành đúng hướng nhưng còn chậm; chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến và thị trường tiêu thụ. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp thấp, thiếu nhãn hiệu, thương hiệu sản xuất; chất lượng hàng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thiếu đồng bộ, hoặc nguồn lực bố trí thực hiện chính sách chưa tương xứng; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thấp, chưa có tính đột phá.
Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển bền vững của ngành. Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào nông nghiệp chưa nhiều và thiếu đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Một số tiến bộ kỹ thuật mới chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn, chưa nhân ra diện rộng. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến chậm.
Hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả thấp. Sự liên kết trong chuỗi sản xuất hàng hóa chưa hình thành rõ. Còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới có kết quả là xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, còn lĩnh vực sản xuất chưa thay đổi nhiều; nợ xây dựng cơ bản còn lớn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, đã xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới là: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ.
Xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, liên kết chặt chẽ giữa hộ gia đình, doanh nghiệp, các nhà khoa học với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và mô hình trang trại, gia trại; tập trung khai thác có hiệu quả gắn với nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch vùng kinh tế ven biển Kim Sơn. Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo để huyện Hoa Lư và Yên Khánh đạt huyện nông thôn mới".
Là cơ quan báo chí của Đảng bộ địa phương, báo Ninh Bình luôn xác định phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Điều đó được thể hiện trong nhận thức cũng như hành động của cấp ủy, Ban Biên tập, các phòng chuyên môn, cũng như từng cán bộ, đảng viên, phóng viên, công nhân viên trong cơ quan báo thời gian qua. Ban Biên tập báo Ninh Bình đã phân công nhiệm vụ cho phòng tuyên truyền kinh tế làm lực lượng chủ công trong thực hiện nhiệm vụ này. Nội dung tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào từng lĩnh vực cụ thể như:
+ Trồng trọt:tuyên truyền các địa phương tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Các đơn vị, địa phương hỗ trợ tập huấn, khuyến nông… nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân. Các điển hình tiên tiến về sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị;...
+ Chăn nuôi: tuyên truyền các mô hình phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại;khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; v.v...
+Thủy sản:tuyên truyền các địa phương sản xuất thâm canh nuôi tôm sú, cua xanh, ngao, cá rô phi, mô hình lúa + cá… với các mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cho thu nhập cao trên 1 ha canh tác.
Với cách chỉ đạo cụ thể, tập trung, thời gian qua, báo Ninh Bình đã tuyên truyền tương đối tốt chủ đề đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều hội viên, phóng viên và cộng tác viên đã có các tác phẩm báo chí chất lượng, vừa tuyên truyền tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vừa hưởng ứng tham gia cuộc thi báo chí với chủ đề đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình phát động.
Trong thời gian tới, báo Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền về chủ đề tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; giới thiệu nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất để góp phần phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Trước mắt, trong năm 2016, báo Ninh Bình sẽ phối hợp với huyện Hoa Lư để làm tốt công tác tuyên truyền về huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được công nhận là huyện nông thôn mới.../.