Năm 2013, tỉnh Lào Cai xây dựng và thực hiện Đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp". Sau 3 năm thực hiện, nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến rõ nét; các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được lựa chọn để tập trung phát triển. Khoa học công nghệ được đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; toàn tỉnh có 450 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lúa chất lượng cao trên 5000 ha; rau an toàn 600 ha, cây dược liệu 300 ha; cây ăn quả 1000ha. Đã bước đầu xuất hiện các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Toàn tỉnh có 4500 gia đình tham gia chuỗi liên kết sản xuất, 4 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè và cây dược liệu với doanh nghiệp, 8 công ty TNHH tham gia chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ rừng trồng, chè, cây dược liệu, ngô với hộ gia đình.
Vì vậy, sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, bình quân trên 6%/năm; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 7,25% so với năm 2013 và chiếm gần 41% cơ cấu ngành; các dự án sản xuất hàng hóa được triển khai hiệu quả, từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung, giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt hơn 51 triệu đồng/ha, tăng 6 triệu đồng/ha so với 2013.
Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Lào Cai có 21/144 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 16 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 27 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 72 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Chỉ tính riêng năm 2015, nhân dân đóng góp giá trị 250 tỷ đồng, doanh nghiệp 175 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên là nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Báo Lào Cai trong công tác tuyên truyền huy động các nguồn lực xã hội .
1. Báo Lào Cai tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa về tái cơ cấu nông nghiệp
Năm 2013, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2016, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành 19 đề án, trong đó đề án số 1 là "Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020". Mục tiêu đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phù hợp nhu cầu thị trường; nâng cao giá trị thu nhập cho dân cư nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.
Mục tiêu đến năm 2020 tạo bước chuyển lớn trong sản xuất nông, lân nghiệp với giá trị sản xuất cao/1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác tăng gần 2 lần so với năm 2015, đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng lương thực đạt 340 nghìn tấn, thu nhập của người lao động tăng gấp 2 lần so với hiện nay (30 triệu đồng/người/ năm). Nâng cao trình độ nhận thức của cư dân sống ở khu vực nông thôn, thay đổi nhận thức sản xuất lạc hậu của nông dân, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, giảm ô nhiễm môi trường…
Đây là những căn cứ rất thuận lợi để Báo Lào Cai tập trung tuyên truyền, trong đó tuyên truyền thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp có ý nghĩa thiết thực với một tỉnh miền núi, luôn khó khăn về vốn (Kinh phí thực hiện đề án 17.400 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 9.000 tỷ đồng, còn lại vốn ngoài ngân sách), về nhân lực, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất hàng hóa…
Để công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, Ban Biên tập Báo Lào Cai đã phân công phòng Kinh tế chuyên theo dõi, tuyên truyền về lĩnh vực này. Nội dung tuyên truyền tập trung giới thiệu nội dung Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng tuyên tuyền giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, về cơ chế, chính sách của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, Báo Lào Cai có nhiều bài viết giới thiệu khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng và phong phú với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm đặc hữu và sản xuất công nghệ cao; giao thông giữa các địa phương trong tỉnh phát triển hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, có nhiều bài viết phân tích vị trí "cầu nối" của Lào Cai giữa Việt Nam, ASEAN với khu vực Tây Nam của Trung Quốc cũng là điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, nhất là tiêu thụ sản phẩm.
Qua công tác tuyên truyền, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như đầu tư công nghệ cao vào sản xuất; bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Báo Lào Cai phát hiện, tuyên truyền nhân rộng nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tự tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ được hình thành và phát triển. Tuyên truyền mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, Báo Lào Cai còn một số mặt hạn chế trong việc tuyên truyền xã hội hóa thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, như phóng viên chưa am hiểu sâu về các nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp, số lượng bài viết về xã hội hóa tái cơ cấu nông nghiệp chưa tương xứng với vai trò, vị trí của đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong sự nghiệp phát triển của tỉnh.
2. Báo Lào Cai tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, nên Ban Biên tập Báo Lào Cai đặc biệt quan tâm tuyên truyền trên các ấn phẩm, như Báo Lào Cai thường kỳ, Báo Lào Cai cuối tuần, Báo dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và Báo Lào Cai Điện tử.
Đặc biệt, trên ấn phẩm Báo Lào Cai thường kỳ thường xuyên duy trì chuyên mục "Xây dựng nông thôn mới" trên số báo thường kỳ phát hành vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Ban Biên tập phân công các phòng: Kinh tế, Văn hóa - xã hội, Xây dựng Đảng - Nội chính, Điện tử chịu trách nhiệm nội dung 1 tuần/ tháng. Chuyên mục này được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi chặt chẽ và đánh giá hằng tháng qua cuộc giao ban công tác tư tưởng.
Hằng năm, báo Lào Cai đều tổ chức cuộc thi viết về xây dựng nông thôn mới. Báo Lào Cai chú trọng phát hiện, phản ánh những mô hình xây dựng nông thôn mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhất là những cá nhân, tập thể, các doanh nghiệp có sự đóng góp đáng kể trong Phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Ở Lào Cai, 6 tháng một lần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có danh sách các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới để nêu gương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Căn cứ vào danh sách do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp và qua phát hiện của phóng viên, mỗi năm có hàng trăm tin, bài, ảnh nêu gương những hộ gia đình hiến đất, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ tiền, vật chất và sự tham gia đóng góp ngày công của nhân dân để xây dựng nông thôn mới.
Thông qua đó, các chủ trương, chính sách và phương pháp tiến hành xây dựng nông thôn mới được thông tin, phổ biến sâu rộng, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, đã thu hút sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và của cộng đồng dân cư, cụ thể là nhân dân đã tự nguyện tham gia ủng hộ được 827 tỷ đồng, bao gồm 80 tỷ đồng tiền mặt, gần 300 ha đất, 2,6 triệu ngày công lao động, 986 mét khối đá, cát, sỏi; vận động nhân dân làm được 53.207 nhà vệ sinh và 34.104 chuồng gia súc hợp vệ sinh, các cơ quan, doanh nghiệp đã ủng hộ được 461.739 triệu đồng, gồm 50 tỷ tiền mặt, 700 con bò, 196 máy trộn bê tông; 3.500 tấn xi măng, xây dựng gần 100 km đường giao thông nông thôn; 215 bộ máy vi tính, 500 bộ bàn ghế và nhiều hiện vật, như quần, áo, sách vở…
Tuy nhiên, trong vực tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên Báo Lào Cai còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Phóng viên ít hiểu biết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên các bài viết chủ yếu ở dạng phản ánh, tính phát hiện chưa nhiều, tính phản biện chưa cao. Chưa có nhiều bài phân tích sâu sắc, mang tính cổ vũ, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Thông qua cuộc hội thảo lần này, Báo Lào Cai hy vọng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý từ các báo bạn, để trong thời gian tới việc tuyên truyền thực hiện công tác xã hội hóa tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên báo Lào Cai phong phú, hấp dẫn và hiệu quả hơn./.