Để hiểu rõ hơn về về vấn đề này trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo Ninh Bình đã trao đổi với đồng chí Bùi Ngọc Quang, Phó giám đốc phụ trách NHPT Ninh Bình.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những đối tượng nào sẽ được Chi nhánh NHPT Ninh Bình bảo lãnh tín dụng?
Đồng chí Bùi Ngọc Quang (Đ/c BNQ): Theo Quyết định số 14/2009/QĐ- TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được Chi nhánh NHPT Ninh Bình bảo lãnh bao gồm: Các DN (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động sẽ thuộc diện được xem xét bảo lãnh tín dụng để vay vốn của NHTM thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), hoặc vay vốn lưu động để ổn định và phát triển SXKD.
NHPT không bảo lãnh cho các DN vay vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển SXKD, phương án SXKD trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải hàng hóa, giáo dục đào tạo và y tế) hoặc các khoản vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác.
P.V: Ngoài các điều kiện về quy mô DN, còn có điều kiện nào khác mà DN phải có mới được Chi nhánh NHPT Ninh Bình bảo lãnh tín dụng?
Đ/c BNQ: Ngoài các điều kiện về quy mô, DN còn phải đáp ứng các điều kiện sau: Có dự án đầu tư phát triển hoặc phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; quy mô dự án tối thiểu là 100 triệu đồng và DN phải có tối thiểu 10% vốn chủ sở hữu tham gia dự án/phương án sản xuất kinh doanh; không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế. Mặt khác, DN phải sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay (tối đa 90%) và vốn chủ sở hữu (tối thiểu 10%) để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại NHPT.
Theo Quy chế, số tiền được bảo lãnh tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng được ký giữa DN và NHTM. Thời hạn bảo lãnh vay vốn phù hợp với thời hạn cho vay của bên nhận bảo lãnh và không vượt quá thời hạn thu hồi và chu kỳ sản xuất kinh doanh mức phí bảo lãnh tối đa bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh. Việc thu phí phù hợp với thời gian bảo lãnh, được thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh.
PV: Đồng chí có thể đánh giá tác động của việc triển nghiệp vụ bảo lãnh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đ/c BNQ : Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 1.600 DN và HTX hầu hết thuộc loại vừa và nhỏ, sản xuất phân tán trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều DN chưa đủ điều kiện để vay vốn của NHTM do thiếu tài sản thế chấp, số vốn tự có trong phương án SXKD thấp…Vì vậy, khi DN có phương án SXKD hiệu quả, NHTP sẽ đứng ra bảo lãnh cho DN nhằm thay thế các điều kiện còn thiếu đó, giúp DN tiếp cận được nguồn vốn của NHTM. Nghiệp vụ này sẽ tháo gỡ những khó khăn về điều kiện vay vốn cho DN.
Thực chất đây là thỏa thuận bằng văn bản được ký giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh về việc: Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả được nợ, hoặc trả nợ không đầy đủ theo cam kết với bên nhận bảo lãnh. Như vậy, không có tài sản bảo đảm tiền vay, chỉ cần có chứng thư bảo lãnh của Chi nhánh NHPT Ninh Bình thì DN, HTX có thể được vay vốn ở các NHTM. Hoạt động bảo lãnh tín dụng theo Quyết định 14 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng sẽ hướng mục tiêu hỗ trợ đến các DN vừa và nhỏ, các HTX ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang gặp khó khăn về vốn trong giai đoạn hiện nay.
Hoạt động bảo lãnh tín dụng của chi nhánh NHPT Ninh Bình tạo thêm cơ hội cho hàng trăm DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các HTX trên địa bàn tỉnh có điều kiện mở rộng sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành, ổn định SXKD, tạo việc làm cho người lao động.
Cùng với giải pháp hỗ trợ lãi suất vốn vay, chính sách mới về bảo lãnh tín dụng góp phần kích cầu đầu tư và sản xuất kinh doanh, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ đề ra.
P.V: Vậy quy trình bảo lãnh sẽ được Chi nhánh NHPT Ninh Bình thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c BNQ : Quy trình, thủ tục bảo lãnh không có gì phức tạp, Chi nhánh NHPT Ninh Bình bảo đảm tính công khai, minh bạch ở tất cả các khâu. Hiện nay, Chi nhánh đã thành lập ban chỉ đạo phân công trách nhiệm của các thành viên, đồng thời sắp xếp nhân sự, bố trí đầu mối tiếp nhận hồ sơ nhằm giảm thời gian làm thủ tục bảo lãnh của khách hàng.
Khi phát sinh nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, DN cần gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến NHPT Ninh Bình. Tối đa 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định. Nếu đủ điều kiện thì Ngân hàng sẽ có văn bản chấp thuận bảo lãnh cho DN vay vốn, và nếu không đủ điều kiện thì DN cũng sẽ được thông báo lý do cụ thể. Sau đó, căn cứ đề nghị vay vốn của DN và văn bản chấp thuận bảo lãnh của NHPT, NHTM sẽ xem xét và ký hợp đồng tín dụng với DN.
Sau khi có hợp đồng tín dụng giữa NHTM và DN, Chi nhánh NHPT Ninh Bình sẽ tiến hành ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn, hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và phát hành chứng thư bảo lãnh để DN vay vốn tại NHTM.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Quốc Khang (thực hiện)