Để thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, ngay sau khi tỉnh Lạng Sơn triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (2/2011) , Ban biên tập Báo Lạng Sơn đã quyết định thành lập tiểu ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Báo Lạng Sơn. Tiểu ban chỉ đạo đã quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn.
Ban biên tập phát động phong trào thi đua "Báo Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào được triển khai sâu, rộng đến toàn thể cán bộ đảng viên, các tổ chức chính trị, xã hội trong tòa soạn. Đồng thời chủ động phối hợp với Văn phòng Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh (nay là Văn Phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn) triển khai thực hiện chuyên mục.
Qua đó đã xây dựng được chuyên mục xây dựng nông thôn mới định kỳ vào trang nhất số báo thứ 2 hàng tuần (từ tháng 8/2015, sau khi đổi sang khổ nhỏ, chuyên mục được bố trí vào trang 3, thứ Hai hàng tuần). Nội dung bám sát theo chỉ đạo, định hướng của tỉnh và phản ánh những cách làm hay, những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn.
Tòa soạn đã phân công phóng viên phụ trách chuyên mục, chỉ đạo xây dựng nội dung tuyên truyền thông qua sự kiểm duyệt của Ban biên tập. Đồng thời chỉ đạo toàn thể phóng viên trong tòa soạn tăng cường bám, nắm cơ sở, bám sát các ngành được phân công phụ trách, từ đó tuyên truyền về nông thôn mới theo hướng cụ thể từng tiêu chí, gắn với ngành mình phụ trách.
Chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội trong cơ quan như Chi đoàn thanh niên, Công đoàn, Chi hội Nhà báo Báo Lạng Sơn chủ động phối hợp, nắm bắt chủ trương để vừa tuyên truyền, vận động vừa có các hình thức hướng về cơ sở bằng các hành động thiết thực, cụ thể. Đối với từng giai đoạn, yêu cầu phóng viên, biên tập viên, bám, nắm kịp thời chủ trương chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh. Qua đó đảm bảo tuyên truyền đúng, trúng và kịp thời tạo hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền.
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên trong tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, Ban biên tập thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về đề tài xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa lớn hơn trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện cho phóng viên vừa đưa tin, vừa tham dự các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới do các cấp, ngành tổ chức.
Chi bộ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí; nâng cao chất lượng ảnh báo chí; Ban biên tập có cơ chế khen thưởng đối với các tác phẩm báo chí chất lượng cao, trong đó có các tác phẩm viết về đề tài xây dựng nông thôn mới.
Đối với chuyên mục xây dựng nông thôn mới, Ban biên tập Báo Lạng Sơn chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để tăng tính hấp dẫn của chuyên mục. Từ chỗ chỉ có một phóng viên chuyên trách về chuyên mục, đến nay Báo Lạng Sơn đã xây dựng được một đội ngũ phóng viên phụ trách chuyên mục.
Kế hoạch thực hiện chuyên mục được xây dựng hàng tháng, cụ thể hóa thành nội dung của từng tuần, có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với từng thời điểm, sát với chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Ngoài chuyên mục, trong các số báo thường ngày, Báo Lạng Sơn ưu tiên thời lượng đăng tải các bài viết về nông thôn mới, không chỉ của đội ngũ phóng viên mà còn chú trọng đến bài viết của các cộng tác viên, tạo thông tin phong phú, đa chiều.
Kết quả, từ năm 2011 đến nay, Báo Lạng Sơn đã xây dựng được trên 250 chuyên mục với số lượng hơn 500 bài, ảnh về xây dựng nông thôn mới. Trong các số báo thường ngày, Báo Lạng Sơn đã đăng tải trên 5.000 tin, bài ảnh của phóng viên, cộng tác viên về đề tài xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Ban biên tập báo Lạng Sơn tổ chức sơ kết, đánh giá những mặt đã làm được, mặt còn hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai công tác tuyên truyền cho năm tiếp theo, sát với định hướng của tỉnh.
Công tác tuyên truyền trên Báo Lạng Sơn đã góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới từng bước trở thành cuộc vận động lớn trong toàn xã hội. Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tự nguyện hiến trên 2 triệu mét vuông đất xây dựng các công trình công cộng; huy động hơn 2,1 triệu ngày công củng cố hạ tầng nông thôn và đóng góp 400 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn hỗ trợ, ủng hộ hơn 1 nghìn tỷ đồng giúp các xã hoàn thiện các tiêu chí...
Đến nay toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 7,6 tiêu chí, tăng 5,03 tiêu chí so với năm 2011. Phấn đấu hết năm 2016 toàn tỉnh có thêm 13 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 26 xã.
Hưởng ứng phong trào Lạng Sơn chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, Chi ủy, Ban Biên tập báo đã chỉ đạo, các tổ chức chính trị xã hội trong cơ quan, các phóng viên, biên tập viên nghiên cứu, đề xuất, tham mưu triển khai thực hiện các chương trình cụ thể, thiết thực. Trong đó phát huy tính tiên phong, xung kích của đoàn viên thanh niên và gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong chi bộ.
Trong quá trình tuyên truyền, Ban biên tập Báo Lạng Sơn rút ra các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn:
Thứ nhất: Luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh về thực hiện đẩy mạnh các phong trào thi đua nói chung, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới nói riêng để cụ thể hóa trong xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động thi đua, tuyên truyền, xuất bản của báo.
Thứ hai : Quan tâm làm tốt công tác phát động, tổ chức triển khai phong trào thi đua, các hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, các phòng chức năng.
Thứ ba: Sâu sát trong giao việc, quan tâm khâu kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đảm bảo hoàn thành theo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra trong kế hoạch. Cùng với đó là đảm bảo giao việc cho đúng phòng chức năng, đúng người, phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường để từ đó mỗi phòng, mỗi người có thể phát huy tốt năng lực, sở trưởng của mình.
Thứ tư: Trong quá trình thu thập thông tin, tư liệu, thâm nhập thực tế để phục vụ công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, Báo Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành. Đồng thời, luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí khác của tỉnh, cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn. Từ đó tuyên truyền đúng, trúng các nội dung về xây dựng nông thôn mới./.