Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: "Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.Trong đó, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống nhân dân".
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và được thể chế hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2010- 2020. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa XVII) có Nghị quyết số 02/2011/NQ-TU về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030; UBND tỉnh có kế hoạch số 28/2011/KH-UBND về tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030. Ngày 12 tháng 11 năm 2014, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Báo Hưng Yên xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới trên các ấn phẩm của báo, đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Báo Hưng Yên đã triển khai kế hoạch tuyên truyền chương trình xây dựng Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tới toàn thể cán bộ, phóng viên, đồng thời phân công chịu trách nhiệm tuyên truyền chính cho phòng Phóng viên Kinh tế. Phòng phóng viên Kinh tế phân công một phóng viên chuyên trách tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, một phóng viên chuyên trách tuyên truyền về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Báo kết hợp với Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của tỉnh thực hiện chuyên mục "Xây dựng nông thôn mới" với tần suất 2 chuyên mục/tháng trên Báo in và Báo điện tử; 1 kỳ/tháng trên báo Hưng Yên hàng tháng.
Qua đó các ấn phẩm thường xuyên cập nhật tin, bài, ảnh phản ánh phong trào, khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, việc chuyển đổi hiệu quả cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trung bình mỗi năm có hàng trăm tác phẩm báo chí viết về đề tài tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được đăng tải, góp phần phổ biến, nhân diện rộng những cách làm hay, hiệu quả, gương điển hình trong hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông, thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nội dung tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện chiếm dung lượng lớn nhất trong số các lĩnh vực tuyên truyền trên Báo Hưng Yên. Các bài viết khá đa dạng về việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, về chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các tác phẩm báo chí kịp thời cập nhật, chuyển tải những thông tin về tiến độ thực hiện quy hoạch, đề án phát triển sản xuất, hiến đất, kinh nghiệm huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Công tác tuyên truyền đã làm cho người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đã thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ hiểu "xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước" đến nhận thức "xây dựng nông thôn bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu", xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại. Cán bộ, nhân dân đã cơ bản nhận thức rằng, cốt lõi của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện các công việc để phát triển sản xuất hiệu quả bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, báo Hưng Yên kết hợp tuyên truyền với các tổ chức, đoàn thể, phản ánh, tuyên truyền về sự hưởng ứng của các đơn vị đối với phong trào xây dựng Nông thôn mới, với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Qua đó đã phản ánh kịp thời phong trào chung tay xây dựng NTM; cung cấp cho độc giả một cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương về tình hình tam nông, tạo sức lan tỏa tích cực, rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhiều bài viết có chiều sâu, không chỉ phản ánh mà còn phân tích, chỉ ra được nguyên nhân của thành công, chia sẻ kinh nghiệm khắc phục khó khăn. Một số bài viết phân tích những bất cập trong quá trình thực hiện, như việc nợ đọng nguồn vốn, giải quyết ô nhiễm môi trường khu dân cư đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương điều chỉnh phương pháp huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí tham gia xây dựng nông thôn mới, báo Hưng Yên kết hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động cuộc thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới, thu hút đông đảo tác giả tham gia.
Qua đó, các phóng viên tích cực khai thác thông tin, đổi mới cách thể hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Báo Hưng Yên đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Qua thời gian tuyên truyền tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Báo Hưng Yên rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất: Việc tuyên truyền cần xây dựng kế hoạch mang tính "dài hơi", bám sát chủ trương chỉ đạo của tỉnh trong từng giai đoạn để bảo đảm phản ánh đúng, trúng, hay. Sau mỗi năm có sự đánh giá, rút kinh nghiệm của Ban Biên tập để việc tuyên truyền sát thực tiễn, kịp thời cổ vũ những cách làm hay, phê bình những nơi thực hiện phong trào chưa hiệu quả.
Thứ hai: Tập trung tuyên truyền vào đối tượng chủ thể trong lĩnh vực nông nghiệp là người nông dân, là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Bởi đây vừa là người thực hiện, đồng thời, trực tiếp được thụ hưởng thành quả từ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đem lại.
Tuyên truyền để họ nắm vững thế nào là tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích gì cho người dân. Mục tiêu của đề án với từng địa phương là gì, cách thức để thực hiện mục tiêu đó ra sao?... Từ đó, phóng viên thực hiện các bài viết mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh đúng thực trạng ở từng địa phương, cơ sở.
Thứ ba: Có cơ chế để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tích cực đi sâu tuyên truyền cho lĩnh vực quan trọng này. Quan tâm đến những địa bàn dân cư ở vùng sâu, vùng xa, những xã còn nhiều khó khăn, phát hiện những nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị, những phản biện góp phần cùng với cơ quan quản lý tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách... Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống./.