Trong đó tập trung tuyên truyền cụ thể và khá đậm nét về chủ trương, chính sách, chế độ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện chương trình xây dựng NTM; hoạt động và kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; việc huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng phát triển công nghệ, phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến nhằm đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn...
Tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Báo Hòa Bình và chiếm tới trên 50% thời lượng trên cả 2 ấn phẩm báo viết và Báo Hòa Bình điện tử. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, năm 2013, Sở Nông nghiệp &PTNT và Báo Hòa Bình đã phối hợp tổ chức "Cuộc thi viết về chủ đề xây dựng NTM" trên Báo Hòa Bình. Cuộc thi viết về xây dựng NTM được chia làm 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 500 tác phẩm. Báo Hòa Bình đã đăng tải trên các ấn phẩm của Báo được 126 tác phẩm. Trong đó có 72 tác phẩm chất lượng cao mang đậm hơi thở nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ban tổ chức đã chấm và tuyển chọn được 44 tác phẩm vào chung khảo và tuyển chọn 22 tác phẩm để trao giải. Trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Hầu hết các tác phẩm dự thi tập trung cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, nhân dân và toàn xã hội nâng cao ý thức chủ động, chung sức đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM; cổ vũ phong trào thi đua phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; biểu dương, nhân rộng điển hình trong lao động sản xuất; giới thiệu những cách làm hay, những mô hình tiên tiến trong lao động sản xuất.
Từ hiệu quả thiết thực của cuộc thi viết về chủ đề xây dựng NTM trên Báo Hòa Bình giai đoạn 1, UBND tỉnh đã trực tiếp phát động và tổ chức cuộc thi viết về chủ đề "Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới" trên Báo Hòa Bình giai đoạn 2014-2016". Chất lượng cuộc thi viết về xây dựng NTM giai đoạn 2 được nâng lên một bước, đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, kết quả đạt được, thuận lợi khó khăn, đồng thời phát hiện những điển hình tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng NTM...
Cuộc thi viết về chủ đề "Hòa Bình chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2014 - 2016, bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2014 đến 12/2015, với sự tham gia của nhiều đối tượng làm báo chuyên nghiệp và cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Báo Hòa Bình đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi, trong đó đã đăng tải trên 200 tác phẩm về xây dựng NTM.
Đối với Báo Hòa Bình điện tử thường xuyên cập nhật các tin, bài về xây dựng NTM, ngoài ra đã thực hiện hơn 50 phóng sự chuyên đề về NTM.Qua hình thức chấm điểm, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn 23 tác phẩm có nội dung xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 1 giải đặc biệt, 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 10 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng chọn trao giải thưởng cho đơn vị có nhiều người tham gia nhất, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất, các cá nhân và tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc thi.
Qua các thông tin tuyên truyền, phản ánh của báo chí đã giúp nông dân nhiều vùng trong tỉnh xóa bỏ tập quán canh tác không hiệu quả, từng bước từ bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, có ý thức vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cây ăn quả ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng mía nguyên liệu ở các huyện Kỳ Sơn, Tân Lạc, Cao Phong; vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn; vùng rau sạch ở TP Hòa Bình, các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn.
Các ngành nghề nông thôn được hình thành và phát triển ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc. Đặc biệt là cuối năm 2014, sản phẩm cam, quýt của huyện Cao Phong đã được đón nhận chỉ dẫn địa lý; tại chương trình khảo sát và cấp chứng thư thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5, năm 2016 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế tổ chức, sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2016. Mới đây, sản phẩm nhãn của xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi cũng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Qua phản ánh của báo chí, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với các sản phẩm như su su lấy ngọn, lặc lày, măng bát độ, nấm rơm, rau ngót… mang lại giá trị kinh tế cao đã được nông dân các địa phương học hỏi, áp dụng và nhân rộng phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Những mô hình kinh tế nông nghiệp đó đã đem lại lợi ích kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha cho nhiều nông dân. Huyện Cao Phong đã hình thành vùng sản xuất mía, cam hàng hóa. Đã có hàng trăm gia đình trồng cam ở Cao Phong trở thành tỷ phú. Một số làng nghề địa phương được khôi phục và phát triển như chổi chít, thổ cẩm, rượu cần, làm mỹ nghệ, đã giải quyết đáng kể việc làm, tạo thu nhập khá cho nông dân...
Có thể thấy rằng, trong giai đoạn 2011-2015, Báo Hòa Bình đã luôn đồng hành cùng Ban chỉ đạo xây dựng NTM và bà con nông dân trong toàn tỉnh trong suốt tiến trình xây dựng NTM. Qua phản ánh kịp thời của báo, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được nhìn nhận khách quan, được dư luận đặc biệt quan tâm và được đề xuất các giải pháp giải quyết chính đáng; báo chí thực sự đã đưa Chương trình xây dựng NTM trở thành nhiệm vụ chính trị- kinh tế trọng tâm của toàn tỉnh hiện nay.
Đối với tỉnh Hòa Bình khi triển khai xây dựng NTM có nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể là: Tại nhiều địa phương, nhận thức về triển khai xây dựng NTM còn nhiều bất cập. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu rõ bản chất của xây dựng NTM là gì? Tư tưởng Nhà nước " rót" tiền để xây dựng NTM và xây dựng NTM là chương trình của Nhà nước vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, để triển khai chương trình NTM cần huy động nguồn lực của xã hội và người dân tham gia là chính. Người dân mong muốn cụ thể họ phải làm gì, hình thức đóng góp công sức, tiền của như thế nào, thì nhiều địa phương chưa tìm ra hướng giải quyết.
Do đó, để tạo được hiệu quả trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM thì báo chí phải luôn đi sát, nằm vùng, nhanh chóng cập nhật mọi thông tin chính xác nhất của nông dân các địa phương về xây dựng NTM, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc để là tiếng nói giúp người dân có đề xuất giải quyết cụ thể từ lãnh đạo tỉnh.
Khi xây dựng và tổ chức thực hiện tuyên truyền về chủ đề xây dựng NTM, Báo Hòa Bình luôn cẩn trọng tránh tình trạng phản ảnh rầm rộ theo kiểu phong trào và gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với báo chí và ảnh hướng đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua công tác tuyên truyền đậm nét về chủ đề xây dựng NTM trên Báo Hòa Bình thời gian qua đã góp phần khơi dậy ý thức vươn lên phát huy nội lực và sự năng động của người dân để huy động toàn tâm, toàn sức của toàn dân vào xây dựng NTM. Đồng thời cụ thể hóa sống động, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM đi vào cuộc sống, động viên toàn xã hội tham gia chương trình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.