Anh Phạm Văn Th, một người mắc AIDS trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết, anh đã điều trị AIDS được 5 năm, uống thuốc ARV từ nguồn tài trợ miễn phí do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cấp. Bắt đầu từ năm 2018, khi các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm dần, anh Th. cảm thấy lo lắng, rất may sau đó anh được cấp thẻ BHYT miễn phí và đến năm 2019 anh được chi trả thuốc điều trị ARV qua thẻ BHYT. Anh Th. cho rằng, hầu hết người mắc HIV/AIDS công việc bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nếu không có BHYT chi trả thuốc điều trị ARV thì sẽ khó có tiền điều trị duy trì sức khỏe. Chính sách BHYT chi trả thuốc ARV khiến anh và những người mắc HIV/AIDS rất mừng, bởi giảm gánh nặng tài chính đáng kể trong quá trình điều trị bệnh.
Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Điều trị ARV không chỉ mang lại sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm lây truyền HIV, do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục, suốt đời, bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Trong khi chi phí cho điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... rất cao. Nhưng khi người bệnh mua thẻ BHYT thì số tiền bỏ ra nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị. Như vậy, tham gia BHYT sẽ giảm gánh nặng tài chính rất lớn với người nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
Để lấp dần khoảng trống thiếu hụt khi nguồn thuốc viện trợ quốc tế giảm, từ tháng 7/2017, Việt Nam bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn BHYT và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 2188) về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017.
Thực hiện Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2016, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 111 về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện Kế hoạch số 111 của UBND tỉnh, Sở Y tế, BHXH tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Quy chế phối hợp số 2406 ngày 14/9/2017 thực hiện cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, qua đó tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV hoặc đang ở ngoài cộng đồng nếu đồng ý mua thẻ BHYT đều được làm các thủ tục để được cấp thẻ miễn phí. Tính đến tháng 7/2019, tổng số người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị tại tỉnh là 1.216 người, trong đó người lớn là 1.176 và 40 trẻ em, có 113 người trong Trại giam Ninh Khánh. Hàng năm, số bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đều được rà soát, thực hiện cấp thẻ BHYT. Đến tháng 7/2019, số bệnh nhân mắc HIV/AIDS có thẻ BHYT là 1.054/1.103 người, chiếm 95,5%, còn lại 49 người, chiếm 4,5% chưa có thẻ BHYT, nguyên nhân là do một số người đang hoàn thiện thủ tục chờ cấp thẻ, một số khác giấu bệnh, ngại công khai danh tích nên tự túc mua thẻ BHYT...
Cũng theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, quyền lợi của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT, bao gồm: Được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT. Bên cạnh đó, họ được cấp thuốc ARV, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản. Cùng với đó, người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó. Khi mắc bệnh thì người bệnh nhiễm HIV nếu có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHYT chi trả, thanh toán những chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có một vài bệnh không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT được quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm y tế như: Nghiện ma túy, nghiện rượu hay những chất gây nghiện khác.
Việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV bước đầu cho thấy có những hiệu quả tích cực; tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hiện vẫn là rào cản chính hạn chế việc tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV. Nhiều người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV vẫn lẩn tránh, không dám đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm bệnh, không tiếp cận với cơ sở chăm sóc, điều trị cho mình và dự phòng cho người khác. Cùng với đó, việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV cần thực hiện theo một mã số riêng tương tự như với đối tượng người nghèo, người có công, chỉ bác sĩ điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, để những người có bệnh không phải tự ti, lẩn tránh vì bị kỳ thị. Thêm vào đó, ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở điều trị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh HIV/AIDS được khám, chữa bệnh với chất lượng cao, ân cần, niềm nở, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân cho người bệnh... Tất cả nhằm mục tiêu những người nhiễm HIV/AIDS đều tham gia BHYT, qua đó tăng cơ hội điều trị, sống khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ lây truyền HIV/AIDS cho người thân và cộng đồng.
Hạnh Chi