Theo các chuyên gia y tế, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS là khoảng hơn 4 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7-8 lần. Bởi vậy nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV. Nhất là từ năm 2019, thuốc kháng virút (ARV) và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Vì vậy, để giữ vững kết quả điều trị, việc người bệnh tham gia đầy đủ BHYT là quan trọng và cần thiết.
Để lấp dần khoảng trống thiếu hụt khi nguồn thuốc viện trợ quốc tế giảm, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 2188) về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định: Các địa phương tùy vào vào khả năng ngân sách để tính toán hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ KCB người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; các cơ sở KCB BHYT có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, Quyết định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.
Thực hiện Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2016, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 111 về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình, nhằm đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo 100% số người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình có thẻ BHYT, được hưởng các dịch vụ y tế từ quỹ KCB BHYT. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ đủ 100% mức đóng để mua thẻ BHYT. Mức hỗ trợ kinh phí đủ 100% mức đóng để mua thẻ BHYT.
Theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 6/2018, lũy tích phát hiện nhiễm HIV tại tỉnh Ninh Bình là 3.932 trường hợp, trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.742, tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.108, tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.082. Số bệnh nhân AIDS hiện đang điều trị là 1.164 người; số nhiễm HIV/AIDS đang điều trị Methadone là 108 người.
Thực hiện Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình; Sở Y tế, BHXH tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có Quy chế phối hợp số 2406 ngày 14/9/2017 thực hiện cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, qua đó tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV hoặc đang ở ngoài cộng đồng nếu đồng ý mua thẻ đều được làm các thủ tục để được cấp thẻ miễn phí.
Cũng theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, quyền lợi của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT, bao gồm: Được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT. Bên cạnh đó, họ được cấp thuốc ARV, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản. Cùng với đó, người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT. Khi mắc bệnh thì người bệnh nhiễm HIV nếu có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHYT chi trả, thanh toán những chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có một vài bệnh không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT được quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm y tế như: Nghiện ma túy, nghiện rượu hay những chất gây nghiện khác. Còn những bệnh lây truyền theo đường tình dục vẫn được thanh toán.
Được biết, hiện nay, việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV đang gặp nhiều khó khăn. Đó là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hiện vẫn là rào cản chính hạn chế việc tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV. Chính sự kỳ thị phân biệt đối xử không làm giảm dịch mà còn là nguyên nhân dịch HIV tăng nhanh, nguyên nhân là do người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không dám đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm bệnh, không tiếp cận với cơ sở chăm sóc, điều trị cho mình và dự phòng cho người khác. Cùng với đó, việc KCB bằng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV cần thực hiện theo một mã số riêng tương tự như với đối tượng người nghèo, người có công, chỉ bác sĩ điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, để những người có bệnh không phải tự ti, lẩn tránh vì bị kỳ thị…
Như vậy, BHYT rất quan trọng đối với người nhiễm HIV/AIDS, với việc tỉnh Ninh Bình hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ là cách thiết thực giúp người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.
Hạnh Chi