Một lần bị ngộ độc thực phẩm do ăn rau cải, dù đang là chính vụ khiến bà Nguyễn Thị Th (thành phố Ninh Bình) bức xúc: Rau cải mua về tôi đã rửa rất kỹ ngâm nước muối cho chắc, vậy mà ăn xong "miệng nôn, trôn tháo", con cái phải đưa vào viện cấp cứu. Theo các bác sỹ điều trị, do lượng thuốc bảo vệ thực vật còn dính vào lá rau vì được phun cận ngày thu hoạch nên người ăn vào rất dễ ngộ độc… Để tự đối phó với việc rau không sạch, nhiều bà nội trợ vẫn "rỉ" tai nhau kinh nghiệm: không ăn rau trái vụ, không mua rau quá mướt, lá đều xanh rì là rau bị phun thuốc sâu (???)…Nên chọn rau bị sâu ăn, hình thức xấu mã một chút thì an toàn hơn… Thậm chí, có người chọn vào siêu thị để đảm bảo mặt hàng rau xanh không mất an toàn thực phẩm. Để có nguồn rau sạch, nhiều gia đình đã liên hệ với người trồng rau ở quê, anh em họ hàng để trồng những luống rau không phun thuốc bảo vệ thực vật, hàng tuần về quê thu hoạch đưa lên sử dụng dần. Có gia đình, lại tìm những mảnh đất ở gần nơi cư trú, hoặc dành những diện tích ít ỏi của gia đình, sử dụng sân thượng, hộp xốp… để trồng rau sạch. Dù thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cứ ra chợ là nhiều người đành ngậm ngùi: biết là vậy không thể không ăn rau… Trong hội nghị triển khai "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" năm qua, chủ đề rau xanh cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT đã khẳng định: Rau là thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao nhất trong các loại thực phẩm bởi rau ăn lá tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù qua kiểm tra, làm các xét nghiệm nhanh, chưa phát hiện ra chất cấm trong sản xuất rau, thịt, nhưng vẫn không thể yên tâm về rau. Qua tìm hiểu và qua công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của ngành chức năng, ngoài lượng rau được trồng ở các xã ven đô, rau chủ yếu được nhập từ Đà Lạt, Trung Quốc về. Qua kiểm tra thực tế, rau Đà Lạt hoàn toàn có thể yên tâm về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, rau từ Trung Quốc và rau sản xuất tại chỗ còn nhiều vấn đề đáng quan tâm vì đến nay trên địa bàn tỉnh chưa sản xuất rau sạch đại trà, nhiều nơi mới chỉ dừng ở phạm vi quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
Để có được rau sạch, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn trong trồng trọt đối với hội viên. Do đó đã làm chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của khoảng 70% dân số lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã tiến hành triển khai mô hình thí điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát đã chọn Công ty TNHH MTV Hoàng Lê để triển khai thực hiện. Tham gia mô hình, người sản xuất được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, được làm quen với nhật ký đồng ruộng và sổ ghi chép khi thu hoạch, quy trình bảo quản và sơ chế, chế biến tiêu thụ sản xuất chuỗi theo quy trình VIETGAP. Thông qua mô hình, ngành nông nghiệp hy vọng sẽ góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa đa dạng, hiện đại, an toàn và bền vững nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rau, giúp cho người tiêu dùng dễ nhận dạng và có nhiều lựa chọn rau an toàn, đảm bảo chất lượng. Cùng với ngành nông nghiệp, các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã vận động hội viên, xây dựng được những mô hình điểm về sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, các mô hình kể trên không nhiều.
Hiện nay sản xuất rau trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu trồng rau theo phương thức truyền thống. Do đó, sản phẩm chưa có tính đa dạng, sản lượng hàng hóa thấp, chưa nhận diện được sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện, chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tất cả các huyện, thành phố đều có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa triển khai được. Trong khi chờ đợi có được sản phẩm rau an toàn, người tiêu dùng vẫn phải tự bảo vệ mình bằng cách áp dụng những cách làm, kinh nghiệm để có được rau sạch theo cách riêng của mỗi người. Tuy nhiên, đó lại chưa phải là cách để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của gia đình một cách hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: Bùi Diệu