Qua thống kê của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những năm qua, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Ninh Bình luôn ở mức đáng báo động: Năm 2010 là 114 bé trai/100 bé gái; năm 2011 là 111 bé trai/100 bé gái; năm 2012 là 115,2 bé trai/100 bé gái; năm 2013 là 114,4 bé trai/100 bé gái; 8 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ này là 115,8 bé trai/100 bé gái... Nguyên nhân có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì có nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là do quan niệm, suy nghĩ của một bộ phận người dân còn chưa đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân số của Nhà nước, còn xem nhẹ vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội... Đặc biệt, điều này còn kéo theo tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Vẫn còn những gia đình nặng nề với việc sinh con trai, dù kinh tế chưa khấm khá, dù công việc của vợ hoặc chồng chưa ổn định hoặc dù con còn nhỏ... Có nhiều cách thức để người dân "vin" vào với mong muốn sinh được con trai: Mách nhau các bài thuốc dân gian để đẻ con trai, siêu âm "canh trứng", ăn uống theo sách, siêu âm để biết trước giới tính... Theo những người làm công tác dân số, hệ quả lâu dài là đến thời điểm những bé trai trưởng thành, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội như: buôn bán phụ nữ, bạo hành giới... Đó là hệ quả mà khoảng 15 - 20 năm nữa nhiều gia đình có con trai phải gánh chịu.
Trao đổi với đồng chí Lương Văn Vượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh được biết thêm: Tại Ninh Bình, nhiều năm qua tỷ số giới tính khi sinh luôn ổn định từ 103-106 bé trai/100 bé gái. Nhưng từ năm 2006 xu hướng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng. Đến nay, Ninh Bình là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất toàn quốc. Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2009 Ninh Bình được chọn là 1 trong 11 tỉnh tham gia thí điểm thực hiện đề án "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", đến nay triển khai tại 114 xã trong tỉnh. Ngành Dân số - KHHGĐ đã vào cuộc hết sức tích cực nhằm đưa những nội dung của hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến với mọi đối tượng người dân, nhất là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, ngành chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm làm chuyển đổi nhận thức, hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thông qua các hoạt động: tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, chiếu video, kẻ vẽ panô, khẩu hiệu... Bên cạnh đó, các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được cung cấp kịp thời, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng như: gói dịch vụ KHHGĐ, gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh sản, gói dịch vụ làm mẹ an toàn.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng dân số, các chương trình, đề án như: "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển", "Tư vấn và khám tiền hôn nhân"... đã được ngành Dân số-KHHGĐ phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã triển khai rộng rãi tới những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, giúp họ có thêm kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, luôn chủ động trong việc thực hiện KHHGĐ... Đặc biệt, năm nay, hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái (11-10), Bộ Y tế đã khởi động chiến dịch truyền thông "Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh" nhằm làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân trong thực hiện chính sách về dân số. Ninh Bình phấn đấu kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh cao để đạt chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2015 và không quá 110 - 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2020.
Tuy nhiên, qua số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2014 của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao đột biến so với năm 2013 như: Hoa Lư 130,4 bé trai/100 bé gái, Yên Mô 119,6/100, Yên Khánh 125,4/100, Kim Sơn 121,6... cho thấy để giải quyết hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt của mỗi cá nhân gia đình.
Bùi Diệu