Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động chăn nuôi, giết mổ đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng.Mặc dù phương thức và công nghệ chăn nuôi đã và đang được cải thiện theo hình thức trang trại, gia trại với quy mô đàn ngày càng lớn, từng bước giải quyết vấn đề dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng số lượng này vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo số liệu thống kê năm 2008, cả tỉnh chỉ có 52 gia trại, trang trại chăn nuôi lớn theo quy mô công nghiệp, số còn lại đều là chăn nuôi tự phát, tận dụng và phân tán, nhỏ lẻ. Trên 80% cơ sở chăn nuôi xây dựng chuồng trại ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi và con người. Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dù chăn nuôi ở quy mô nhỏ hay lớn thì các loại chất thải trong chăn nuôi đa phần vẫn chưa được xử lý. Chất thải trong chăn nuôi được phân ra làm 3 loại: chất thải rắn; chất thải khí bao gồm CO2, NH3, CH4, H2S… đây đều là những loại khí chính gây hiệu ứng nhà kính; chất thải lỏng bao gồm nước tiểu, nước tắm, nước rửa chuồng...
Theo thống kê hiện nay, tỉnh ta có gần 62 nghìn con trâu bò, trên 377 nghìn con lợn và hơn 3 triệu con gia cầm, gần 21 nghìn con dê, cừu. Như vậy, lượng chất thải ra môi trường là không nhỏ, ước tính lượng chất thải rắn là gần 800 tấn/năm. Lượng chất thải này một phần được ủ để làm phân bón (chủ yếu là chất thải rắn), một phần được dùng trực tiếp tưới cho hoa màu và nuôi cá, riêng chất thải lỏng đa phần được đổ thẳng ra hệ thống thoát nước chung của cộng đồng.
Những năm qua, tỉnh ta đưa nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, đặc biệt đã áp dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường như phương pháp áp dụng dung dịch điện hóa Anolyte và Catolyte, hầm biogas, bể lắng. Tính đến năm 2008, số lượng hầm biogas toàn tỉnh đã xây dựng được là 1.600 công trình. Việc xử lý bằng các chế phẩm sinh học đã và đang được thực hiện tốt trong chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi gia trại, trang trại vừa và nhỏ. Tuy vậy, số lượng các hộ chăn nuôi áp dụng các công nghệ này còn rất khiêm tốn.
Chất thải nói chung, chất thải trong chăn nuôi nói riêng cần được xử lý đúng cách sẽ giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đỗ Bảng
Hiện tượng chuồng gia súc, gia cầm ở ngay trong khuôn viên nhà, chen chúc trong khu dân cư không phải là hiếm gặp vì chăn nuôi hộ gia đình là một phương thức hiệu quả, tận dụng được các sản phẩm dư thừa hàng ngày giúp các hộ tăng thu nhập. Tuy nhiên, chỉ cần một gia đình nuôi vài con lợn không vệ sinh chuồng trại, xử lý phân không hợp lý thì tất cả các hộ xung quanh phải hứng chịu hậu quả: nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và những đe dọa lớn trong việc lây lan dịch bệnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ đã vậy, chăn nuôi quy mô lớn cũng không khá hơn là mấy, tuy các cơ sở này nằm tách biệt với khu dân cư nhưng công nghệ xử lý chất thải thì phần lớn vẫn là chôn lấp do thiếu kinh phí và công nghệ.
Bên cạnh chăn nuôi thì hoạt động giết mổ cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 1.335 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tổng số lợn giết mổ hàng năm vào khoảng 330.000 con (không kể lợn sữa). Trong số các cơ sở giết mổ trên chỉ có 2 cơ sở tập trung là Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình và cơ sở giết mổ Núi Vàng (xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình). Còn lại đều là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nằm len lỏi trong các khu dân cư.
Đồng chí Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: Kết quả kiểm tra các cơ sở giết mổ cho thấy, phần lớn các cơ sở này đều chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa có hệ thống xử lý nước thải, không đảm bảo vệ sinh môi trường, đa số nằm luôn trong nhà dân (bếp, nhà vệ sinh), có điểm giết mổ ngay cạnh bệnh viện, trường học. Hiện trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giết mổ hiện nay một phần là do công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn nhiều bất cập. Chỉ tập trung vào phát triển chăn nuôi mà chưa chú ý nhiều đến môi trường chăn nuôi.
Tuy việc ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã tương đối đầy đủ nhưng công tác triển khai, giám sát, thanh, kiểm tra và đánh giá chưa phát huy hiệu quả. Việc phân công, phân cấp trong vấn đề quản lý Nhà nước về môi trường trong chăn nuôi còn nhiều chồng chéo, bất cập. Bộ phận quản lý môi trường trong chăn nuôi nằm ở đâu? Ai làm? Làm như thế nào? Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ra sao? vẫn đang là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tình hình nghiên cứu về thực trạng, các biện pháp, công nghệ làm giảm thiểu ô nhiễm và quản lý môi trường trong chăn nuôi chưa nhiều (hiện mới chỉ có khoảng 15 báo cáo khoa học về vấn đề này). Đặc biệt, nhận thức của người chăn nuôi về các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn rất hạn chế. Đa phần số hộ chăn nuôi được phỏng vấn đều không nắm được các yêu cầu đối với khu chăn nuôi tập trung. Đôi khi họ đã vi phạm nhưng không hề biết.
Đồng chí Lê Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT thị xã Tam Điệp cho biết: Trong thời gian qua, thị xã đã phải tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến môi trường trong chăn nuôi nhưng không thể xử lý do thiếu các chế tài, quy định cụ thể. Do vậy, để xử lý dứt điểm các vấn đề do ô nhiễm môi trường gây ra cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các quy định pháp luật tới người chăn nuôi. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc cải thiện môi trường trong chăn nuôi là rất cần thiết. Đây là một vấn đề mới, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp, các ngành cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong chăn nuôi, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Lựu