Kính thưa các vị đại biểu, khách quý !
Thưa toàn thể các đồng chí !
Hôm nay, tỉnh Ninh Bình rất phấn khởi được đón các đồng chí đại biểu về dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 24 - năm 2016. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các vị đại biểu, khách quý, các đồng chí đại diện cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương, cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Thưa toàn thể các đồng chí !
Trước hết, cho phép tôi được giới thiệu đôi nét về quê hương Ninh Bình. Nằm ở phía nam đồng bằng sông Hồng, với diện tích tự nhiên khoảng 1.400 km2, dân số trên 90 vạn người, tỉnh Ninh Bình có 02 thành phố và 06 huyện với 146 xã, phường, thị trấn.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hóa giữa khu vực châu thổ Sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng duyên hải với vùng rừng núi Tây Bắc. Trải qua hàng triệu năm vận động, kiến tạo của địa chất, cùng với những thăng trầm của lịch sử, Ninh Bình đã trở thành vùng đất "địa linh- nhân kiệt".
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nền văn minh Đại Cồ Việt trong suốt 42 năm của 3 triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam: Triều Đinh - Tiền Lê và mở đầu Triều Lý. Hoa Lư ngàn năm sống mãi với tên tuổi vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ - ba con người, ba triều đại, như một sự bắt đầu, một sự kế thừa và một sự phát triển đi lên mới mẻ, làm cho Hoa Lư đi vào lịch sử như một mốc son chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ninh Bình còn được xem như một vùng đất hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình hòa quyện với di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Tài nguyên du lịch Ninh Bình cũng hết sức độc đáo, đa dạng, tạo thành thế mạnh trong phát triển du lịch hướng về thiên nhiên hoang dã, hướng về cội nguồn xa xăm, hướng về văn hóa tâm linh,... Hơn nữa, chúng được kết hợp hài hòa giữa tự nhiên - lịch sử - huyền thoại tạo nên sự hấp dẫn du khách trong nhiều loại hình du lịch. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tạo tiềm năng mới, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung.
Kính thưa các vị đại biểu khách quý !
Thưa các đồng chí !
Trong chặng đường gần 25 năm đổi mới và phát triển kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, giành được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm ở mức khá, nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,7%/năm. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; thu ngân sách đạt 4.400 tỷ đồng. Đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng: giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Với những tiềm năng, lợi thế về kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang quan tâm tìm hiểu cơ hội, quyết định đầu tư tại Ninh Bình. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả tốt. Phát huy lợi thế là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thời gian qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình là địa danh được đầu tư để trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Những năm gần đây, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng: năm 2015 đón gần 7 triệu lượt khách; 9 tháng đầu năm 2016 đón trên 5 triệu lượt khách, doanh thu tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 giảm còn 3,35%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý !
Thưa các đồng chí!
Chủ đề của Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 24 được lựa chọn là: "Đẩy mạnh tuyên truyền tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới". Đây là chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa thiết thực. Việc tổ chức Hội thảo là một hoạt động nhạy bén của các cơ quan báo chí trong việc đồng hành với các địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 46,5% diện tích đất tự nhiên, gần 50% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình luôn xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi trong tổng thể xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 21 nêu rõ: "Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ".
Đến nay, sản lượng lương thực có hạt đạt 50,7 vạn tấn/năm. Sản xuất vụ đông được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh, tập trung vào những cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra những cánh đồng cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/ha/năm. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa; đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại tập trung, quy mô, số lượng đàn lớn. Sản xuất nuôi trồng thủy, hải sản cũng có nhiều khởi sắc, nhất là việc khai thác và đưa vào nuôi trồng nhiều loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.
Các hình thức liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng; mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã được quan tâm chỉ đạo. Kết quả quá trình tái cơ cấu đã góp phần làm cho nông nghiệp Ninh Bình phát triển ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm. Nông nghiệp Ninh Bình ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong việc đảm bảo được an ninh lương thực, đóng góp 12% trong tỷ trọng GDP của tỉnh, tạo ra nhiều nguyên liệu xuất khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Từ những lợi thế trên, thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu:
- Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại quỹ đất. Thực hiện quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản, mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ cá,...
- Hai là, đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất có quy mô đủ lớn để hình thành cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên canh, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Xây dựng và nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm chủ lực, mỗi huyện một mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiêu biểu.
- Ba là, tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị trên 1 héc-ta canh tác, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm đột phá, hiệu quả cao, chỉ tiêu phấn đấu đạt 130 triệu đồng/héc-ta (hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang có một số mô hình nông nghiệp cho giá trị 400 triệu đồng/héc-ta).
Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hình thành các vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ khâu giống, quy trình sản xuất đến chế biến và bảo quản. Quan tâm phát triển các trung tâm sản xuất giống, lai tạo, cấy ghép; đầu tư cho các cơ sở chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng hệ thống chợ trung tâm, chợ đầu mối, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm.
- Bốn là, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, tiên tiến, bền vững; nhất là chuyển đổi và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã.
- Năm là, tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước); lựa chọn sản xuất các mặt hàng có tính cạnh tranh cao, cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu bản địa. Tạo ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch và sự phát triển đô thị (vùng sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh,...). Hỗ trợ tạo lập thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa đặc thù của tỉnh.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông; chú trọng việc đào tạo nghề, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân được tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm sản.
- Sáu là, ưu tiên đầu tư và quản lý có hiệu quả các dự án trọng điểm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Kính thưa các đồng chí !
Gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đạt kết quả tốt. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể đều có các chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.
Định hướng xây dựng nông thôn mới được quán triệt, triển khai đồng bộ tới các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; trong đó xác định rõ người dân là chủ thể, tham gia xây dựng và thụ hưởng lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới; huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Ngoài 19 tiêu chí như quy định, tỉnh yêu cầu các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện thêm 2 tiêu chí nữa, đó là tiêu chí về sự hài lòng của người dân và tiêu chí kiểm soát khả năng thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới, nông dân trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng, đồng tình hưởng ứng và tự giác, tích cực tham gia.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Bằng hình thức cho ứng xi măng trả chậm, nhân dân tự lo cát, đá, hiến đất, hiến công xây dựng, đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được nâng cấp đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.
Dự kiến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới (51%) và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, Ninh Bình phấn đấu có 96 xã (80%) và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Với các xã đã đạt chuẩn, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát triển bền vững và sử dụng có hiệu quả các công trình đã được đầu tư, phấn đấu xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu.
Với những xã còn nhiều khó khăn, đang trong quá trình nỗ lực xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy đã có Quyết định 140-QĐ/TU về việc phân công các sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh phụ trách và 1 đến 2 doanh nghiệp kết nghĩa, giúp đỡ các xã đặc thù trong tỉnh vươn lên phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý !
Thưa các đồng chí !
Đóng góp vào thành tựu trên của tỉnh Ninh Bình có vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các báo đã luôn đồng hành cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh, cung cấp và định hướng thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, của tỉnh tới đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân; tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng những điển hình tiên tiến; đồng thời có những gợi mở cho tỉnh trong việc xây dựng, hoạch định các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Báo chí đã tích cực tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là lợi thế về phát triển du lịch, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút ngày càng đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế đến với Ninh Bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây, báo chí đã phát huy vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phản ánh kịp thời khí thế của phong trào, cung cấp cho độc giả một cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương với những tin, bài có nội dung sâu sắc, sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, ý thức nỗ lực vượt qua khó khăn, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới.
Với những đóng góp quan trọng đó, tại buổi Hội thảo hôm nay, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, tôi xin được bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các cơ quan báo chí Trung ương, báo Đảng các địa phương đã luôn quan tâm, giúp đỡ và đồng hành cùng Ninh Bình trong quá trình phát triển đi lên.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian tới đã và đang đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành.
Như chúng tôi được biết, những khó khăn của tỉnh Ninh Bình trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm; giá trị sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh,sức cạnh tranh thấp, chưa gắn kết chế biến và thị trường; hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp còn hạn chế;ruộng đất phân tán; công nghiệp hóa, đô thị hóa làm giảm diện tích đất nông nghiệp;lao động nông thôn dôi dư trong quá trình tổ chức lại sản xuất;ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,... cũng đồng thời là khó khăn chung của các tỉnh, các địa phương phía Bắc.
Vì thế, tôi tin tưởng rằng, tại Hội thảo này, các đồng chí đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí trung ương và địa phương sẽ trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của mỗi tỉnh, mỗi địa phương; từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác, các đồng chí sẽ đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần này được tổ chức tại Ninh Bình, là dịp để chúng tôi được đón tiếp các đại biểu tới thăm và tìm hiểu thêm về vùng đất "Ninh Bình - non nước hữu tình", về con người Cố đô cần cù, mến khách. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và hợp tác của các đồng chí, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh, thông tin về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để Ninh Bình trở thành điểm hẹn văn hóa, điểm đến hấp dẫn đối với du khách, là điểm gặp gỡ để hiện thực hóa cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh và phát triển bền vững.
Một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, tôi xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!