Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, trong đó ngành nông nghiệp chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động của tỉnh với trên 80%. Điều đó cho thấy phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Việc chú trọng tăng cường đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là vô cùng cần thiết.
Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2013 - 2015), với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, lĩnh vực nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn có những kết quả khởi sắc. So với những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1997) sau gần 20 năm, Bắc Kạn đã có những đổi thay lớn về hạ tầng giao thông từ nông thôn đến đô thị; các lĩnh vực văn hóa - xã hội như giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc đã có nhiều khởi sắc. Trong đó tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước.
Nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua đã tăng cả về sản lượng, năng suất và diện tích (năm 2014, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 176.170 tấn; lương thực bình quân đạt 576 kg/người/năm, năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh đạt trên 185.000 tấn, so với năm 2012 tăng 8.000 - 9.000 tấn. Lương thực bình quân đạt trên 600 kg/người/năm). Từ sản xuất nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới sản xuất hàng hóa, góp phần làm giàu bền vững cho nông dân.
Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3%), độ che phủ rừng đạt 70,8%. Kinh tế rừng đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng lên từng năm. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần vào việc ổn định chính trị, xã hội và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 32,13% năm 2011 xuống còn 11,63% năm 2015, bình quân giảm 4,17%/năm (theo chuẩn nghèo đa chiều là 29,4%).
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm triển khai, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn Bắc Kạn được nâng lên, an ninh nông thôn được đảm bảo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng; thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay trên toàn tỉnh số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 22 xã, tăng 6 xã so với năm 2014; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là 74 xã; số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 14 xã. Bình quân mỗi xã đạt 7,3 tiêu chí, tăng 0,5 tiêu chí so với năm 2014. Các tiêu chí đạt cao như: Quy hoạch có 110/110 xã hoàn thành; tiêu chí thủy lợi 50/110 xã; tiêu chí điện 68/110 xã; tiêu chí bưu điện 97/110 xã; tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 97/110 xã; tiêu chí an ninh trật tự xã hội 94/110 xã…
Góp phần vào những kết quả đạt được, Báo Bắc Kạn đã nỗ lực xây dựng các bài viết phản biện trong quá trình tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tại Đại hội Đảng XI, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chính thức ghi nhận, yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Trong nghị quyết đại hội, về phát triển hệ thống thông tin đại chúng, nêu rõ: Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Trên cơ sở đó, các bài viết mang tính phản biện trong tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Báo Bắc Kạn tổ chức thực hiện có trọng tâm, xuyên suốt; đồng thời tập trung đổi mới nội dung và hình thức theo từng thời kỳ. Các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa thông qua đa dạng các thể loại như tin, ảnh, bài phản ánh, phóng sự, ghi chép...
Một số ví dụ cụ thể: Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một số cây trồng nông nghiệp chính giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có phát triển cây dong riềng với diện tích khá lớn, tuy nhiên năng lực sản xuất chế biến tại các cơ sở, nhà máy trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được việc tiêu thụ với số lượng lớn do vậy Báo Bắc Kạn đã có nhiều bài viết phân tích, phản biện nhằm đảm bảo quy hoạch phát triển ổn định vùng cây dong riềng phù hợp với thực tế tránh tình trạng cung nhiều hơn cầu hoặc ngược lại.
Nếu như trước đây cơ cấu giống lúa của nông dân sử dụng giống lúa lai là chủ yếu, mặc dù năng suất tương đối cao nhưng chất lượng kém chủ yếu phục vụ chăn nuôi, Báo Bắc Kạn đã kiên trì phản biện trong việc tuyên truyền sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao như Nếp 97, giống lúa Bao thai… nhờ đó, giá trị sản phẩm lúa, gạo của nông dân Bắc Kạn được nâng cao hơn, mô hình cánh đồng một giống lúa đang được mở rộng ở nhiều địa phương, sản xuất lúa gạo ngày càng chuyên nghiệp hóa, hình thành sản phẩm hàng hóa đem lại lợi nhuận cho nông dân.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thông qua công tác tuyên truyền thời gian qua, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã tạo được phong trào thi đua sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả; nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới chủ yếu là ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm, vốn huy động còn hạn chế; Hầu hết các xã chưa xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực nên khi triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa sát với mục tiêu hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung; Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa còn thấp…
Xuất phát từ thực tiễn, những bài viết phản biện đăng trên Báo Bắc Kạn thời gian qua đã nêu ra một số tiêu chí khó áp dụng đối với một tỉnh miền núi đặc thù còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, từ đó kiến nghị cần phải điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới phù hợp với thực tiễn địa phương như: Đối với tiêu chí giao thông, yêu cầu cứng hóa đối với đường trục xã, liên xã và đường trục thôn, liên thôn (tỷ lệ theo nội dung Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới quy định), việc thực hiện nên điều chỉnh để đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng chưa thực hiện cứng hóa.
Với địa hình chia cắt mạnh, dân cư thưa thớt, các hộ gia đình cách xa nhau, số hộ trong một thôn không lớn, đặc biệt có 6 thôn có dưới 12 hộ/thôn, do vậy việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa như xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn theo quy định rất khó khăn…Trên cơ sở phản ánh của cơ quan báo chí, trong năm 2016, một số tiêu chí đã được tỉnh đề xuất kiến nghị với Trung ương để điều chỉnh cho phù hợp.
Để công tác tuyên truyền có điểm nhấn, Báo Bắc Kạn đã mở chuyên mục "Xây dựng nông thôn mới", chuyên trang kinh tế nông nghiệp… đăng tải nhiều bài viết phân tích, đúc rút, đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn có tác dụng thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình thực tiễn, có biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết của các quyết sách đã ban hành, đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện về cơ chế chính sách, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng.
Cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của thực tiễn đã đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam phát triển chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn là diễn đàn "tai, mắt" của nhân dân, là công cụ giám sát của nhân dân đối với mọi tiến trình hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân và vì nhân dân, làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế- xã hội, đảm bảo cho tiến trình thực hiện dân chủ được liên tục, công khai…
Giám sát và phản biện xã hội vì vậy được xem là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí. Xác định rõ vấn đề, bởi vậy Báo Bắc Kạn đã và sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tờ báo để phản biện các vấn đề của đời sống kinh tế- xã hội; xây dựng kế hoạch tuyên truyền và phản biện trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; qua phản ánh thực tiễn và sau những vệt tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức các chương trình tổng kết, lắng nghe ý kiến đóng góp của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân để rút kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyên truyền, đặc biệt là phản biện trong tuyên truyền lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có hiệu quả xã hội tốt.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để nhận thức chính xác bản chất của sự việc nhằm phản biện đúng và trúng./.