Đảng ta xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: "Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.Trong đó tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với XDNTM; thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, XDNTM và cải thiện đời sống nhân dân".
Ở tỉnh Bắc Giang, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 được xác định theo hướng duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trong XDNTM. Quá trình thực hiện đề án này cũng phải gắn với tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.
Mục tiêu của Đề án được xác định rõ ràng, song một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ sở chưa thật sự thấm nhuần những mục tiêu cơ bản này. Một bộ phận cư dân nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM, còn tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Bởi vậy việc quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ cao và cơ giới hóa còn hạn chế. Người dân chưa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác được lợi thế vùng, từng bước thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, tăng thu nhập theo hướng liên kết với nhau để sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có sự gắn kết của doanh nghiệp. Thậm chí một số nơi còn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất. Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Trong chương trình XDNTM, kết quả thực hiện một số tiêu chí chưa cao, thậm chí bị lung lay, dễ tuột mốc khi đã về đích. Ví như, tiêu chí môi trường, hiện nay một số xã đã đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn loay hoay trong xử lý nước, rác thải. Hay an ninh trật tự; văn hóa cũng là những tiêu chí khó giữ đối với những xã đã về đích NTM bởi trong năm mà trên địa bàn xã có vụ trọng án hay tai nạn nghiêm trọng hoặc đánh bạc là năm đó địa phương sẽ không đạt các tiêu chí này. Lo lắng hơn là nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để XDNTM có hạn, việc phân bổ vốn lại thực hiện dàn đều theo hướng dẫn của T.Ư nên các xã đang gặp khó khăn thực hiện các tiêu chí khó như: môi trường, giao thông, thủy lợi… Không chỉ vậy, sau 5 năm XDNTM, đến nay hầu hết các xã đều nợ đọng XDNTM. 36 xã đã về đích toàn tỉnh hiện nợ gần 150 tỷ đồng nhưng vẫn khó bố trí vốn trả nợ.
Có thể nói, tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM là vấn đề phức tạp, khó khăn và lâu dài, cần sự tham gia chặt chẽ của tất cả các thành phần kinh tế mới có thể mang lại kết quả cao. Bởi vậy, Báo Bắc Giang xác định tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM là một trong những nội dung quan trọng của tờ báo. Trong đó tập trung vào đối tượng chủ thể trong lĩnh vực nông nghiệp là nông dân. Họ là người thực hiện, đồng thời là người trực tiếp được thụ hưởng thành quả từ tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM đem lại. Báo tập trung tuyên truyền để nông dân nắm vững thế nào là tái cơ cấu nông nghiệp; XDNTM cần đạt những tiêu chí gì; quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề này như thế nào; mục tiêu của đề án với từng địa phương là gì, cách thức thực hiện mục tiêu đó ra sao... Qua đó sẽ vận động người dân tích cực tham gia thực hiện Đề án và chương trình hiệu quả.
Báo Bắc Giang đã dành dung lượng đáng kể để tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và XDNTM. Báo đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng năm, hàng quý và hàng tháng, phản ánh sâu về lĩnh vực này trên các ấn phẩm báo in, cuối tháng, cuối tuần và Báo điện tử. Đồng thời phát động một số cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có cuộc thi viết "Nghị quyết của Đảng và cuộc sống hôm nay".
Báo Bắc Giang chỉ đạo các phòng chuyên môn, đặc biệt là Phòng Kinh tế chịu trách nhiệm chính tuyên truyền nội dung này; phân công phóng viên có tay nghề vững, nhiều kinh nghiệm, thường xuyên bám sát lĩnh vực tuyên truyền; tham mưu cho lãnh đạo phòng, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề dài kỳ; kịp thời đưa tin, viết bài về các địa phương, tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình thực hiện Đề án.
Điểm mới là nội dung các chuyên trang, chuyên mục có nhiều cải tiến; chất lượng ngày càng được nâng cao. Thông tin đa dạng, phong phú, cách thể hiện có nhiều đổi mới, phản ánh nhiều chiều, cả mặt tích cực và hạn chế, bất cập. Báo đề xuất, kiến nghị, phản biện góp phần cùng cơ quan quản lý tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện… Qua đó, kịp thời cổ vũ, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Đề án và chương trình XDNTM góp phần đưa Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống.
Báo Bắc Giang có cơ chế khen thưởng các tác phẩm chất lượng cao cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tích cực tuyên truyền sâu cho lĩnh vực quan trọng này. Quan tâm đến những địa bàn dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt những nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện.Đồng thời Ban Biên tập phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh chủ động nắm bắt thông tin, chủ trương, kế hoạch triển khai Đề án, chương trình, từ đó tổ chức tuyên truyền đúng hướng, phù hợp và hiệu quả. Báo cũng mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương tham gia viết bài chuyên sâu về lĩnh vực này.
Từ năm 2014 đến nay, Báo Bắc Giang đã đăng tải khoảng 1,5 nghìn tác phẩm về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM. Các tác phẩm viết về lĩnh vực này đều là những vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Trong đó có nhiều bài phản ánh về việc thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, tập trung vào "5 cây, 3 con" gắn với XDNTM, đó là: Lúa chất lượng, rau an toàn, cây lạc, cây lâm nghiệp, cây ăn quả; con lợn, gà, cá; những cách làm hay trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân để hoàn thành tiêu chí cốt lõi trong XDNTM.
Nhất là những địa phương biết khai thác lợi thế, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu; thu hút doanh nghiệp về nông thôn liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung. Đơn cử như các tác phẩm: Tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông nghiệp Bắc Giang, 3 kỳ gồm: Những bước tiến vượt bậc; Nhận diện điểm nghẽn; Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Ngành chăn nuôi Bắc Giang: Rẽ sóng hội nhập bằng cách nào; Dồn điền đổi thửa - tăng tốc vượt mốc.
Đối với lĩnh vực XDNTM có nhiều bài viết phản ánh về xử lý nợ đọng XDCB, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM; giải pháp huy động vốn thực hiện tiêu chí khó môi trường, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa; XDNTM ở Bắc Giang - Nhiều xã khó cán đích; XDNTM - Đạt chuẩn đã khó, giữ còn khó hơn; Thực hiện tiêu chí an ninh trật tự ở xã NTM - Đẩy lùi vi phạm, xóm làng yên vui.
Đến nay, trong tỉnh hình thành 500 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, trong đó nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập cao như: Lúa chất lượng ở Yên Dũng, nấm ở Lạng Giang, vải VietGAP, cam đường Canh, bưởi Diễn ở Lục Ngạn; hoa chất lượng cao ở TP Bắc Giang. Một số mô hình cho thu nhập 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm như: trồng cam đường Canh, nấm, bưởi Diễn, vải thiều an toàn. Nhờ vậy, năm 2015, giá trị mỗi ha đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện đạt hơn 90 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người dân cư nông thôn đạt 23 triệu đồng/năm. Đến nay toàn tỉnh có 137 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 112 xã so với năm 2011.
Những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ tuyên truyền về "Tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM" trên Báo Bắc Giang còn một số mặt hạn chế. Cụ thể: Nội dung tuyên truyền có thời điểm còn chưa thật sự sâu sắc, toàn diện, chưa phản ánh rõ nét vấn đề. Tại hội thảo lần này, Báo Bắc Giang xin nêu một số kinh nghiệm để trao đổi, chia sẻ cùng các đồng chí, đồng nghiệp và mong muốn học tập, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý của các báo bạn, từ đó nâng cao chất lượng tờ báo, nhất là tuyên truyền về lĩnh vực "Tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM" như sau:
Một là, cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời trên cơ sở tình hình thực tế địa phương nhằm phát hiện những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong thực hiện để kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin cho bạn đọc, các cấp chính quyền, ban chỉ đạo từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp.
Hai là, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dài hạn, ngắn hạn về lĩnh vực nông nghiệp và XDNTM. Chỉ đạo phóng viên tích cực tuyên truyền về chủ trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh; các cơ chế, giải pháp hỗ trợ; cách triển khai ở cơ sở. Nêu gương các địa phương, đơn vị thực hiện tốt; kịp thời phát hiện, phản ánh những việc chưa tốt trong thực hiện nội dụng này. Phân công trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân phụ trách các chuyên trang, chuyên mục và chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền.
Ba là, lồng ghép việc tuyên truyền Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với XDNTM. Đầu tư trang thiết bị, đổi mới, rút ngắn quy trình làm báo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các phòng, các bộ phận, các kíp trực xuất bản báo; tạo điều kiện thuận lợi nhất để cá nhân, bộ phận trong dây chuyền làm báo phát huy khả năng của mình, nâng cao hiệu quả công tác.
Bốn là, quan tâm tổ chức mạng lưới cộng tác viên là những nhà nghiên cứu, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để nắm chắc tình hình thực tế, từ đó đưa ra cách thức tuyên truyền hiệu quả. Có cơ chế động viên khuyến khích, chế độ nhuận bút thỏa đáng cho các tác phẩm chất lượng, hỗ trợ thực hiện chuyên đề; khen thưởng kịp thời các tác giả, tác phẩm tốt về đề tài tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM./.