Đối với người Việt thì cái sự ăn đã quan trọng nhưng có lẽ cái sự mặc còn quan trọng hơn, vì thế người xưa mới có câu "hơn nhau tấm áo manh quần, chứ để mình trần ai cũng như ai". Tôi có một anh bạn làm doanh nghiệp, có lần anh phàn nàn với tôi: "Vừa tiếp một nhà báo mà ăn mặc trông như đi bán bia". Tôi xin lỗi những người phục vụ quán bia nhưng hình như trong mắt anh bạn tôi dân phục vụ quán bia là ăn mặc phải thoáng mát…Việc mặc thoáng mát ở quán bia thì không sao nhưng đi làm việc mà giống ở quán bia thì không ổn. Với nhà báo thì càng không nên và không được phép tái phạm.
Mặc đối với người bình thường đã quan trọng nhưng với nhà báo còn quan trọng hơn. Quan trọng bởi nhà báo đứng ở đầu cầu thông tin là cầu nối giao tiếp giữa thông tin và công chúng, mà thông tin thì phải có nguồn phát, phải có chứng kiến từ con người bởi vậy giao tiếp trong lao động báo chí là lao động sống, giao tiếp giữa con người và con người để thu thập, xử lý thông tin. Trong quá trình ấy, giao tiếp là hạt nhân tổng hòa các yếu tố của thông tin.
Nếu những ai đã học báo chí chính quy đều được học môn quan hệ công chúng, tâm lý báo chí trong đó có một phần kiến thức cực kỳ quan trọng đó là hình thức, trọng tâm là việc mặc. Vậy vì sao chuyện mặc lại quan trọng với nhà báo như thế? Xin thưa người Việt cũng đã từng có câu "quen sợ dạ, lạ sợ quần áo". Chuyện sợ ở đây là nể do cách ăn mặc. Có cách ăn mặc đã toát lên thần thái văn hóa khiến người tiếp xúc ban đầu tin cậy hòa đồng, nhưng cũng có cách ăn mặc khiến người ta coi thường, không muốn tiếp xúc hay làm việc. Với báo chí, là nghề năng động vì vậy không còn cách nào khác mặc cũng phải năng động. Nhà báo là người tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, mỗi đối tượng đều có cách hưởng thụ văn hóa khác nhau, ăn mặc làm sao cho hòa đồng là một việc cực kỳ khó. Chẳng hạn khi xuống ruộng với nông dân mà nhà báo diện com lê, đi giầy đen bóng lộn hoặc phóng viên nữ là mặc quần trắng, giày cao gót chắc sẽ rất khó tác nghiệp mà mất đi vẻ hòa đồng. Ngược lại khi dự những buổi tiếp khách, lễ tân quan trọng mà nhà báo lại tuềnh toàng, diêm dúa thì sẽ rất phản cảm, không chừng mất tự tin để ảnh hưởng đến công việc. Bên cạnh đó, môi trường tác nghiệp của nhà báo cũng thay đổi thường xuyên có khi là đường phố đông đúc, có khi lại là công trường, có lúc là rừng rậm suối sâu…Vì thế lựa chọn cho mình cách ăn mặc thế nào cho năng động là điều vô cùng quan trọng.
Thông thường ít nhà báo có thể đi đâu thì chọn cho mình quần áo ấy vì rất có thể những việc phát sinh mà nhà báo không thể tính đến được. Và nếu tính được thì cũng chỉ cho khả năng tương đối để thích nghi. Cách năng động nhất là chọn cho mình một phong cách ăn mặc phù hợp tương đối với mọi hoàn cảnh. Tôi có anh bạn Đại học, phóng viên báo Hànộimới có phong cách ăn mặc khá hay. Cách của anh là chọn cho mình món đồ đi các cuộc họp sang trọng cũng được mà kể cả xuống nông dân cũng được, từ ngày học cùng nhau cho đến tận giờ gặp lại vẫn một phong cách quần jran và áo trắng không hề thay đổi mà vẫn sang trọng, gần gũi. Có lẽ thế mà anh tiếp xúc với ai cũng mang lại hiệu quả rất cao, và anh cũng được xếp là một cây phóng sự có tiếng của bản báo. Ngược lại cũng có lúc tôi đã thấy ái ngại vì những phóng viên trẻ ăn mặc không phù hợp với điều kiện tác nghiệp ở những cuộc họp quan trọng. Ăn mặc cũng chính là văn hóa, ăn mặc thể hiện sự tôn trọng bản thân cũng là tôn trọng người khác.
Nhà báo rất cần chú ý đến khâu ăn mặc, xuất hiện trước công chúng, trước đối tượng giao tiếp và trong môi trường làm việc cụ thể nói rộng hơn là phải thích nghi với mọi hoàn cảnh "đi với bụt mặc áo cà sa…". Nhưng muốn có kiến thức về mặc thì phải học, phải rèn, phải thẩm thấu kiến thức văn hóa chứ không còn cách nào khác, điều đấy cũng là một phần quyết định sự thành bại của mỗi bài báo.
Nguyễn Khánh