Thực hiện Luật Bình đẳng giới, 6 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 29 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ, đồng thời lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, đề án mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị… Tiến hành kẻ vẽ 15 pa nô lớn, chăng treo hơn 500 băng zôn, khẩu hiệu; cấp phát 275 nghìn tờ rơi các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền về PCBLGĐ và bình đẳng giới; biên tập và cấp phát 35 bộ tài liệu tuyên truyền, sách, đĩa cho cơ sở và hệ thống truyền thanh ba cấp…
Đến nay, 145/145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình, hàng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình và PCBLGĐ cho 100% cán bộ làm công tác văn hóa các cấp.
Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng làm vợ, chồng, cha, mẹ; kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng; kinh nghiệm và kiến thức phát triển sản xuất, tăng thu nhập trong gia đình.
Đồng thời tiến hành lồng ghép tuyên truyền về gia đình, PCBLGĐ trong các phong trào "xây dựng gia đình văn hóa"; "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "5 không, 3 sạch"…, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, Sở còn triển khai mô hình can thiệp PCBLGĐ điểm tại xã Văn Phương (huyện Nho Quan) với 5 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 5 nhóm PCBLGĐ ở các thôn, xóm. Tiến hành trang bị cho mỗi CLB một tủ sách với trên 1 nghìn đầu sách tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, giáo dục đời sống gia đình, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân lên trong phạm vi cả tỉnh.
Để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, toàn tỉnh đã xây dựng được 309 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; bố trí 121 trạm y tế làm nơi tạm lánh, thực hiện điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nạn nhân; thành lập 1.285 câu lạc bộ, 884 nhóm PCBLGĐ và 1.653 tổ hòa giải ở khu dân cư, góp phần quan trọng ngăn chặn BLGĐ và xây dựng gia đình không bạo lực.
Tại buổi giám sát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành các Đề án thuộc chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; quy định bộ máy làm công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên công tác gia đình, PCBLGĐ ở cơ sở.
Đề nghị HĐND tỉnh tăng kinh phí cho Sở và phân bổ ngân sách hàng năm cho cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ theo tinh thần Thông tư 143 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bổ sung kinh phí, tạo điều kiện để cho các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội LHPN hoạt động trong lĩnh vực gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới…
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách đối với đối tượng làm công tác gia đình và PCBLGĐ; công tác tuyên truyền, triển khai luật PCBLGĐ ở cơ sở; việc phát hiện và xử lý tình trạng bạo lực gia đình; tổ chức, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; nguyên nhân bạo lực gia đình; việc tách biệt về giới trong số liệu báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra Luật Bình đẳng giới…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội đánh giá cao công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ đoàn giám sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và PCBLGĐ, đồng chí đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt cần làm tốt việc lồng ghép nội dung này với hoạt động của các hội, đoàn thể.
Đổi mới công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và Ban chỉ đạo cấp cơ sở gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ, nhóm PCBLGĐ. Tiếp tục phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở cần coi trọng công tác thi đua khen thưởng, kịp thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, phê phán những hành vi bạo lực gia đình. Ban Văn hóa-Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh báo cáo theo góp ý của các thành viên trong đoàn giám sát, yêu cầu làm rõ hơn vai trò của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiện Luật Bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và PCBLGĐ, đồng thời đảm bảo gọn, chính xác, đánh giá rõ nguyên nhân hạn chế, chỉ ra các giải pháp khắc phục.
Với các kiến nghị, đề xuất thuộc phạm vi của tỉnh, đồng chí yêu cầu Sở xây dựng kế hoạch cụ thể báo cáo với UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Với các kiến nghị khác, đoàn sẽ tiếp thu, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết.
Quốc Khang-Tuấn Anh