Ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khảo sát và đào thám sát 12 hố trong khu vực đất cao và ven chân núi thung Nội Lấm thuộc Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Kết quả thám sát đã thu được các mảnh gốm sứ, minh chứng cho thời các Vua nhà Trần chọn khu vực núi rừng Tràng An để tu hành và lập căn cứ địa kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Cambridge và Đại học Queens Belfast của Vương Quốc Anh thực hiện Dự án nghiên cứu khảo cổ học và cổ môi trường trong khu Di sản (Dự án SUNDASIA). Những kết quả nghiên cứu sơ bộ của Dự án này đã góp phần bổ sung, củng cố thêm các thông tin về quá trình tương tác và thích ứng giữa con người và môi trường tự nhiên, góp phần làm giàu các giá trị văn hóa và tự nhiên của Di sản, đồng thời góp phần nghiên cứu quá trình biến đổi khí hậu và cách thích ứng của con người đối với những biến đổi đó.
Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Kế hoạch quản lý Di sản, xác định một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến khu Di sản và đưa ra các định hướng, tầm nhìn, mục tiêu quản lý và các hành động cụ thể sẽ triển khai.
Theo đó, khu Di sản được quản lý theo kế hoạch quản lý phân vùng, gồm: Phân vùng các khu vực tự nhiên cần bảo vệ, phân vùng các khu vực văn hóa cần bảo vệ, phân vùng các khu vực bảo tồn/sử dụng bền vững, phân vùng các khu vực cho phép du lịch và phân vùng các khu vực dân cư, mỗi phân vùng có chính sách quản lý riêng với mức độ bảo vệ, quản lý và sử dụng và khai thác khác nhau. Căn cứ vào các hướng dẫn và quy định của UNESCO về nguyên tắc xác định ranh giới khoanh vùng khu Di sản, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tiến hành rà soát toàn bộ ranh giới khu di sản, ranh giới vùng lõi khu Di sản và đã có một số điều chỉnh nhỏ (vi chỉnh), do đó, vùng lõi khu Di sản tăng thêm khoảng 54ha (gần 1%) lên 6.226ha (diện tích cũ là 6.172ha). Ranh giới vùng đệm về cơ bản được giữ nguyên, chủ yếu được xác định dựa trên các nhân tố tự nhiên, một phần diện tích nhỏ của khu vực vùng đệm này được bổ sung vào vùng lõi của di sản, làm diện tích vùng đệm giảm xuống 6.026ha (trước đây là 6.080ha). Kế hoạch quản lý và Bản đồ điều chỉnh ranh giới đã được Trung tâm Di sản Thế giới thông qua tại kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới và được các chuyên gia UNESCO đánh giá cao.
Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung công việc theo yêu cầu khuyến nghị. Xây dựng 2 Kế hoạch hành động, gồm Kế hoạch hành động quản lý du khách và Kế hoạch hành động quản lý các di tích khảo cổ học, trong đó, bổ sung các nội dung về nâng cấp hạ tầng du lịch, đánh giá sức chứa du khách, những tác động từ các dự án phát triển đối với các giá trị nổi bật toàn cầu, nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý và nghiên cứu khoa học, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể trên những định hướng bảo tồn dài hạn. Các Kế hoạch hành động đã chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản cho doanh nghiệp, người dân địa phương, hướng đến khai thác du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm.
Ông phó Giám đốc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An cũng cho biết: Sở Du lịch đã tiến hành rà soát Kế hoạch quản lý Di sản giai đoạn 2016-2020, đánh giá công tác quản lý, bảo vệ, tình trạng bảo tồn và tiếp tục nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến Di sản trong giai đoạn đầu của Kế hoạch quản lý Di sản. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 83 ngày 03/10/2018 để thực hiện Quyết định 42 COM 7B.62 của ủy ban Di sản Thế giới; đồng thời, Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 738/ ngày 07/11/2018 về thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 03/10/2018 của UBND tỉnh, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Bổ sung và điều chỉnh các quy định liên quan đến phát triển các loại hình du lịch nhằm mang lại cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch, quản lý và bảo tồn giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên khu Di sản; đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch, các giải pháp điều hòa và phân phối khách du lịch trong mùa cao điểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác quản lý trong dài hạn.
Đinh Chúc