Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo 1 số sở, ngành và huyện Kim Sơn.
Thực hiện Nghị quyết 09, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, cụ thể hóa nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, chú trọng tuyên truyền về vị trí, vai trò tiềm năng và thế mạnh của biển Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh đã rà soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển vùng ven biển Kim Sơn theo mô hình kinh tế tổng hợp. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các dự án, công trình mang tính chiến lược nhằm khai thác các tiềm năng biển, đảo;
Đến nay, kinh tế - xã hội vùng ven biển đã có những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của vùng đạt khoảng 13,5%. Đây là mức tăng trưởng cao trong điều kiện vùng ven biển Kim Sơn là vùng kinh tế mới, sản xuất tập trung chủ yếu vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hiện nay, giá trị sản xuất của toàn vùng chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất của huyện Kim Sơn. Giá trị tăng thêm của vùng ven biển chiếm 3,5% so với toàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Ninh Bình đề nghị Trung ương cho phép xây dựng và áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vùng ven biển Kim Sơn; hàng năm quan tâm bố trí từ ngân sách nguồn kinh phí phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đủ vốn để đầu tư cho các công trình trọng điểm vùng kinh tế biển, các dự án trồng rừng ngập mặn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung đoạn từ Kim Sơn ra Cồn Nổi vào dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông, đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn để kết nối rừng Quốc gia Cúc Phương, khu di sản Tràng An, chùa Bái Đính và thành phố Ninh Bình với huyện Kim Sơn; bổ sung 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, có hỗ trợ để Ninh Bình phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ, nâng cấp Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Đáy. Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách thuế đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, mặt nước trong nuôi trồng thủy, hải sản...
Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Cao Đức Phát, UVT.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao việc tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam của tỉnh, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch, quy hoạch, tuyên truyền, phổ biến đến tổ chức thực hiện. Với nhận thức đúng, cách làm sáng tạo, Ninh Bình đã phát huy được lợi thế của một tỉnh có biển, vì vậy vùng ven biển của tỉnh những năm gần đây có nhiều sự thay đổi, khởi sắc.
Đặc biệt, tỉnh đã khôi phục và phát triển được rừng phòng hộ; đầu tư, nâng cấp để cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện phục vụ đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất; môi trường biển cũng được bảo vệ tốt, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, đồng chí Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng vùng biển của Ninh Bình vẫn còn rất nhiều tiềm năng, thời gian tới Ninh Bình nên tính toán đến việc phối hợp liên vùng trong phát triển kinh tế biển, hay mở rộng hoạt động vận tải biển, công nghiệp, dịch vụ...
Ghi nhận những ý kiến đề xuất của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo với Trung ương.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp, trao đổi của Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu, tỉnh sẽ hoàn thiện báo cáo và tổ chức tổng kết để có nhìn nhận đầy đủ về Nghị quyết. Đồng thời, đồng chí cho biết, thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư, khai thác, sử dụng hợp lý vùng ven biển. Bên cạnh đó, có các chính sách hỗ trợ các mô hình kinh tế định hướng như nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất giống thủy sản...
Trước đó, vào buổi sáng đoàn đã đi khảo sát tại khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh huyện Kim Sơn. Đây là đơn vị điển hình, đi tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các nhà bạt để kiểm soát nhiệt độ, nước,…sản xuất tôm trái vụ, sớm vụ.Kết quả tỷ lệ nuôi thành công đạt 80-100%, đạt khả năng nuôi siêu thâm canh (3-4 vụ/năm). Lãnh đạo công ty cho biết, ngay trong vụ đông vừa qua đã thu hoạch được khoảng 40 tấn tôm với giá trị trên 10 tỷ đồng.
Khảo sát về hệ thống rừng phòng hộ ven biển, Đoàn đánh giá cao việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn của Ninh Bình. Hiện 510 ha rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý đều phát triển tốt, phát huy tác dụng trong việc chắn song, chắn gió.
Cũng trong buổi sáng, Đoàn cũng đã đi thăm dự án Đường ra Trạm kiểm soát Biên phòng Cồn Nổi/Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình. Đây là tuyến đường kết nối giữa đê Bình Minh III và Cồn Nổi, có tổng chiều dài 5,8 km trong đó có 1 cầu vượt biển dài 2 km. Công trình được khởi công từ đầu năm 2017, nay đã hoàn thành được trên 50% khối lượng. Tuyến đường khi được đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại, tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới địa bàn phụ trách và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Hà Phương- Đức Lam